Lăng kính chứng khoán 26/5: Khả năng tiếp tục tích luỹ
Nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài quan sát, hoặc có thể tham gia với tỉ trọng hợp lý ở những cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật cho vị thế ngắn hạn.
Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng khiến thị trường trong trạng thái giằng co, tuy nhiên nhóm dầu khí bứt phá cuối phiên đẩy thị trường lên mức xanh phút cuối.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, VN-Index tăng 2,84 điểm, tương đương 0,27% lên 1.064,63 điểm. Toàn sàn có 172 mã tăng, 216 mã giảm và 48 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,82 điểm, tương đương 0,38% lên 216,78 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 88 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,22 điểm về 80,71 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 12 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 14.074 tỷ đồng, giảm 11% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 11.703 tỷ đồng, giảm 11%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 3.935 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Nhìn chung, dòng tiền vẫn duy trì và luân phiên xoay vòng vào các nhóm ngành. Trong những phiên gần đây, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư càng lúc càng thu hẹp. Với nhịp biến động co hẹp của thị trường như hiện nay, nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài quan sát. Với nhà đầu tư thuộc nhóm khẩu vị rủi ro cao hơn có thể tham gia với tỉ trọng hợp lý ở những cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật cho vị thế ngắn hạn.
Nhìn chung, thị trường đang có cơ hội duy trì đà phục hồi sau phiên 25/5. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch lướt sóng nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, với mục tiêu ưu tiên là các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh 2023 tăng trưởng và đang thu hút được dòng tiền.
Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường vẫn là khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên) thể hiện dòng tiền vẫn đang được giữ ở mức ổn định và đây là cơ sở để kỳ vọng lực cầu sẽ nhanh chóng trở lại quanh mức hỗ trợ 1.060 điểm
Tin vắn chứng khoán
- Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Một trong những vấn đề rất đáng quan tâm trong dự thảo, là "cởi trói" cho khu công nghiệp, khu chế xuất.
Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM đưa ra phương án Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) được quyền phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi các Khu.
Theo ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), đây là thủ tục đầu tiên khi doanh nghiệp muốn xây dựng hay điều chỉnh dự án ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Quy định hiện nay, thủ tục này do UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức hoặc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM phê duyệt. Sau đó, doanh nghiệp mới làm tiếp thủ tục khác để xin giấy phép xây dựng. Sự rườm rà, "nhiều cửa" khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.
- Đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, đến ngày 24/5, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá bán gửi hồ sơ để phục vụ đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, Công ty Mua bán điện đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21 của Bộ Công Thương. Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn, quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận