Làm sao để tăng xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc?
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chỉ khi DN lớn tham gia, tìm cách phối hợp với nông dân, đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn giải cứu.
Ùn ứ nông sản do tạm dừng thông quan
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, nhất là tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu được báo chí đặc biệt quan tâm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay Việt Nam mới chỉ có 9 loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn những hàng hóa khác đều phải phụ thuộc vào xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Ông Hải nhắc đến thực tế vừa qua, sản xuất ra thừa sau đó lại phải nhìn vào sự hỗ trợ, tiêu thụ thị trường nội địa, hay vẫn được gọi là "giải cứu". Sự đầu tư của nhiều người trồng vẫn chưa theo kịp, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước. Điều cần tiến tới để giải quyết đầu ra cho nông sản đó là vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chỉ khi nào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn tham gia hình thành các chuỗi thì sẽ lo được khoản đầu tư. Theo đó, chính các doanh nghiệp này sẽ tìm cách phối hợp với người nông dân tạo ra sản phẩm có đầu ra đạt được tiêu chuẩn ở các thị trường xuất khẩu hướng tới. "Lúc đó mới tiêu thụ bền vững, còn không vẫn sẽ tiếp tục đã và đang như những gì chúng ta chứng kiến thời gian qua", ông Hải nói.
Trả lời về việc ùn ứ nông sản trong thời gian qua, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, do Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết cửa khẩu, đối với những cửa khẩu còn mở thì quy trình giao nhận cũng được nước bạn thực hiện rất chặt chẽ khiến tình trạng ùn ứ bị kéo dài.
Bà Trang cho biết, trong 2 năm qua, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc của các bộ ngành và với việc thực hiện Chỉ thị 26 về xuất khẩu nông sản, việc xuất khẩu vẫn đạt kết quả tích cực, tăng 18,3%. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, Trung Quốc quan ngại về kiểm soát dịch bệnh do đó đã có biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, việc ùn ứ nông sản cũng xuất phát từ điểm yếu cố hữu trong việc sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việc sản xuất chưa bám sát thị trường xuất khẩu, ngoài ra công tác truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm.
"Đặc biệt, việc đàm phán quản lý hàng hóa xuất khẩu, kiểm dịch còn chậm khiến trái cây từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kiểm dịch chặt chẽ, gần như 100%. Trong khi đó, nông sản Thái Lan chỉ bị kiểm dịch khoảng 30%", bà nói.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành cùng khẩn trương vào cuộc tháo gỡ. Trong đó, Bộ Công Thương cũng có nhiều biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo doanh nghiệp có biện pháp điều tiết hàng hóa kịp thời... Đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác để kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi với nước bạn tháo gỡ khó khăn, kéo dài thời gian giao nhận hàng hóa...
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, giải pháp căn cơ, lâu dài để tránh tình trạng ùn ứ, người dân, doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Về các địa phương, Bộ cũng đề nghị xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, kết nối người mua người bán như Hải Dương, Bắc Giang làm rất tốt ngay từ đầu vụ giúp tiêu thụ hết nhãn, vải thiều.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt vấn đề kiểm dịch để có thêm nhiều loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, bà Trang nhấn mạnh.
“Điểm nghẽn” logistics cảng biển
Liên quan tới vấn đề kho vận, logistics cảng biển, đây cũng là một điểm nghẽn dẫn đến tình trạng ùn tắc cảng biển hoặc chi phí kho vận tăng cao, theo bà Trang, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn do ùn tắc trước đây tại cảng Cát Lái khi các địa phương giãn cách trong bối cảnh Covid-19.
"Chúng tôi cũng đề nghị Hiệp hội logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển có biện pháp giảm phí lưu kho lưu bãi để giảm khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông thông qua vận tải đường biển", bà Trang nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, khi xảy ra vấn đề "dội hàng" từ cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 29/12/2021 về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Đến nay, các kênh phân phối lớn nhất đã lên các chương trình tiêu thụ hàng Tết lồng ghép với chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường, tiêu thụ hàng Tết với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn", bà Nga nói.
Dẫn chứng từ việc nhiều sản phẩm nông sản như cam Hà Giang, nhãn lồng Hưng Yên... được tiêu thụ với giá cao và ổn định, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu địa phương quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường sẽ rất thành công trong tiêu thụ hàng hoá, bắt kịp tín hiệu thị trường.
Cũng theo bà Nga, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và được phê duyệt Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản tại Quyết định 194 được phê duyệt cuối tháng 2/2021, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp để sắp tới có bước ngoặt trong tiêu thụ nông sản.
Với nguyên nhân khách quan về chống dịch khác nhau giữa các quốc gia đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng thì đây là khó khăn và doanh nghiệp cần vào cuộc chung tay hỗ trợ người nông dân", bà Nga cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường