Lãi ròng ASM xuống mức thấp nhất từ quý 4/2018
Dưới áp lực chi phí tài chính tăng cao trong bối cảnh các ngân hàng tăng lãi suất cho vay, CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) ghi nhận lãi ròng giảm 68%, còn gần 44 tỷ đồng trong quý 4/2022. Đây cũng là mức lãi ròng hàng quý thấp nhất của ASM kể từ quý 4/2018.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và năm 2022 của ASM
(Đvt: Tỷ đồng)
Kết thúc quý 4/2022, ASM ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ, lên hơn 3,184 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lãi gộp giảm nhẹ 2% (còn 333 tỷ đồng), biên lãi gộp theo đó thu hẹp từ 12.5% xuống 10.5%.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính giảm 12% xuống còn gần 56 tỷ đồng; chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng mạnh từ gần 97 tỷ đồng lên hơn 181 tỷ đồng, chủ yếu từ chi phí lãi vay.
Chi phí bán hàng tăng nhẹ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 81% do giá các yếu tố đầu vào tăng cao.
Hệ quả, Sao Mai chỉ lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng trong quý 4, giảm 63% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Công ty gần 44 tỷ đồng, giảm 68%. Đây cũng là mức lãi ròng hàng quý thấp nhất của Công ty kể từ quý 4/2018.
Lũy kế năm 2022, doanh thu ASM gần 13,750 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Đóng góp chính vào doanh thu là thức ăn cá (chiếm 40% cơ cấu), cá xuất khẩu (27%) và thương mại (24%). Lãi sau thuế tăng 37% lên hơn 963 tỷ đồng và lãi ròng tăng 5% lên hơn 631 tỷ đồng.
Năm 2022, ASM kỳ vọng doanh thu thuần 14,700 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,630 tỷ đồng. Dù tăng trưởng mạnh trong năm nhưng Công ty mới thực hiện được 94% chỉ tiêu doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản ASM tại thời điểm 31/12/2022 gần 19,111 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 817 tỷ đồng, tăng 39%; hàng tồn kho gần 3,190 tỷ đồng, tăng 12%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1,204 tỷ đồng, tăng 36%.
Đáng chú ý, tài sản dài hạn khác tăng 44%, lên hơn 1,137 tỷ đồng, mức tăng tới từ lợi thế thương mại gấp 2.5 lần đầu năm với hơn 475 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua công ty con.
Ngược lại, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 39%, còn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư chứng khoán kinh doanh gần 7.3 tỷ đồng (không được thuyết minh), Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 2.4 tỷ đồng (số đầu năm là 22 triệu đồng).
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 11,270 tỷ đồng, giảm hơn 6%, biến động chủ yếu từ khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm 33%, còn gần 642 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 47%, còn hơn 310 tỷ đồng; trong khi đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 27%, lên hơn 5,885 tỷ đồng; vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 20%, đạt hơn 3,930 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu ASM hơn 7,840 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 1,042 tỷ đồng, giảm 49%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường