Kinh tế Mỹ ngược dòng dự báo?
Loạt dữ liệu mới công bố trong tuần này như một chỉ dấu lạc quan rằng cuộc chiến chống lạm phát có thể không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái như nhiều dự đoán.
Các nhà kinh tế đã nhiều lần cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng của Mỹ hiện nay sẽ chấm dứt vì chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), thay vì là do chu kỳ thoái trào. Các dự báo suy thoái kinh tế lại một lần nữa nóng lên sau khi Fed tăng lãi suất 25 điểm phần trăm vào hôm 26/7, đánh dấu mức tăng 5,25 điểm phần trăm kể từ đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế mới trong tuần này lại cho thấy một kịch bản lạm phát giảm trong khi nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Hôm 27/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, GDP quý II/2023 đã điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ tăng theo tốc độ hàng năm là 2,4% - cao hơn so với mức tăng trưởng 2% trong 3 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,8% theo dự báo của các nhà kinh tế.
Sản lượng kinh tế Mỹ tăng tốc trong những tháng gần đây được cho là nhờ chi tiêu tiêu dùng vững chắc, khi lạm phát giảm còn 3% trong tháng 6. Tăng trưởng lương dù vẫn cao, nhưng theo Bộ Lao động Mỹ là "đã chậm lại đáng kể". Các chỉ số chứng khoán Mỹ quan trọng là Dow Jones và S&P 500 đã tăng liên tiếp 3 tuần gần đây, trong khi các chỉ số khác vào phiên thứ Sáu đóng cửa ở mức cao nhất kể từ hồi tháng 4/2022.
Tại cuộc họp báo ngày 26/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng "hạ cánh mềm" - tức lạm phát giảm và tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái - từ lâu đã nằm trong dự báo của Fed, và niềm tin của ông vào kịch bản này đang tăng lên.
"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chứng kiến những khởi đầu của việc giảm lạm phát mà không có hậu quả đáng kể nào đối với thị trường lao động. Và đó là điều thực sự tốt" - ông nói. Powell cũng tiết lộ rằng ngay cả các nhà kinh tế của Fed đầu năm nay đã dự đoán về một cuộc suy thoái thì giờ không còn nghĩ như vậy nữa.
Một báo cáo phát hành trong tuần này của ngân hàng lớn thứ 2 nước Mỹ Bank of America nhận định, phần lớn rủi ro từ việc tăng lãi suất đã được Fed hoặc các ngân hàng hấp thụ thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ - vốn chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi lãi suất tăng. "Fed có đủ thẩm quyền, công cụ, sự nhạy bén và kinh nghiệm để giải quyết những căng thẳng mới nổi trong hệ thống ngân hàng" - báo cáo cho biết.
Thông thường, chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ sẽ dẫn đến một số cuộc khủng hoảng tài chính khó lường. Điển hình như vào năm 1981, Chủ tịch Fed lúc bấy giờ Paul Volcker được cho đã gây ra một cơn suy thoái tồi tệ sau khi đẩy lãi suất lên mức đỉnh 21,5%.
Lần này, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed cũng đã khiến ít nhất 3 ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản hồi đầu năm nay. Nhưng cho đến nay, tác động lây lan đã được hạn chế và không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.
Bất chấp những dấu hiệu có phần lạc quan, nhiều nhà kinh tế học, chuyên gia tài chính và chủ doanh nghiệp vẫn dự báo về điều ngược lại: Lạm phát và lãi suất cao sẽ buộc các công ty phải sa thải nhân công, và những người thất nghiệp sẽ giảm chi tiêu, khiến nền kinh tế suy sụp.
Wall Street Journal trích dẫn một cuộc khảo sát hồi tháng 6 vừa qua đã chỉ ra, hơn 2/3 các chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ đã triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí trong 6 tháng trước đó. Một tỷ lệ doanh nghiệp tương đương cũng nói rằng họ có kế hoạch cắt giảm chi phí trong tương lai.
Các biện pháp được áp dụng bao gồm tìm nguồn cung ứng mới, ngừng tuyển dụng, ngừng hoặc giảm chi phí vốn và loại bỏ những sản phẩm, dịch vụ không sinh lời. Những chiến lược này cho phép nhiều công ty chuẩn bị sẵn tư thế ứng phó với khả năng suy giảm sâu hơn mà không phải cắt giảm nhân viên, và chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận