menu
Kiểm toán Nhà nước: Một số ngân hàng cho vay vượt trần
Huyền Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiểm toán Nhà nước: Một số ngân hàng cho vay vượt trần

Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao, tiềm ẩn khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Một số ngân hàng cấp tín dụng vượt trần cho phép, thậm chí có nhà băng vượt 6 lần, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022 chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2021.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế năm 2021 là 13,61%, nhưng tín dụng rót vào một số lĩnh vực tiềm ẩn đều tăng vượt mức này. Chẳng hạn, tín dụng vào bất động sản gần 15,4%, chứng khoán 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp 17,65%.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao, năm 2020 là 114,3%; 2021 là 113,2%. Điều này tiềm ẩn khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng. Điều này khiến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần do Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt tăng tín dụng vượt trần cho phép gần 2,2%. Thậm chí có nhà băng tăng vượt trần tới 6 lần, như Ngân hàng Bảo Việt được giao 5,5% song thực tế tăng tới 31,82%. Ngân hàng Phương Đông tăng tín dụng vượt mức tối đa cho phép tại thời điểm cuối các tháng 7, 8, 9 và 10.

Hạn mức (room) tín dụng là biện pháp được Ngân hàng Nhà nước sử dụng thời gian qua để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền ra thị trường, từ đó kiểm soát phần nào lạm phát. Hạn mức này được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp cho các nhà băng dựa trên các tiêu chí như chỉ số huy động cho vay, an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu...

Kiểm toán Nhà nước: Một số ngân hàng cho vay vượt trần
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính tới việc bỏ room tín dụng này vì cho rằng đây là biện pháp hành chính làm méo mó thị trường, phát sinh xin - cho trong cấp hạn mức tín dụng. Ngoài ra, việc phụ thuộc trần tín dụng gây cản trở quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, doanh nghiệp kiệt quệ, cần vốn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên đánh giá ngân hàng nào làm tốt, năng động, đảm bảo các điều kiện về an toàn thì xem xét cấp thêm tín dụng.

"Ngân hàng nào có chỉ số an toàn tốt, không có dư nợ xấu, lãi vay hợp lý thì cần được xem xét để nới room cho họ nhiều hơn, tạo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội", ông Cường nói bên hành lang Quốc hội ngày 27/5.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có lộ trình bỏ hạn mức tín dụng, nhưng cần thời gian và hiện chính sách này vẫn cần để giúp kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, Việt Nam có đặc thù khi nguồn vốn kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, và trong nhóm nước có hệ số tín dụng cao nhất thế giới, theo WB. Vì thế, cơ quan này vẫn phải giám sát chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phê duyệt đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm. Tính chung thời gian Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng kể từ khi nhận hồ sơ khoảng 6-12 tháng. Một số nhà băng được duyệt phương án chậm hơn, như VietinBank (14 tháng), Ngân hàng liên doanh Việt Nga (13 tháng).

Nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn, khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi...). Do đó, nếu tính toán, xác định lại thì một số tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, như HDBank, NamA Bank, Sacombank, SHB và VPBank.

Theo báo cáo kiểm toán của NamABank, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này cuối 2020 là 0,83%. Việc giảm nợ xấu vào cuối 2020, theo thuyết minh báo cáo tài chính, từ 13/3/2020, ngân hàng này áp dụng Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Theo đó, ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng phát sinh trả nợ gốc, lãi từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc, hoặc lãi do doanh thu, thu nhập giảm.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng chưa thực hiện được. Đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 3,81%; còn nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 là 7,43%.

Cơ quan kiểm toán nhận xét, Ngân hàng Nhà nước chưa đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; chưa hoàn thành xử lý các ngân hàng yếu. Việc thanh tra, giám sát ngân hàng cũng chưa được cơ quan quản lý thực hiện trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro; kết qua thoái vốn không đạt kế hoạch.

Cũng theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, năm 2021, một số tổ chức đầu tư tài chính không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, chưa thu hồi được nợ tồn đọng. Chẳng hạn VietcomBank có khoản tạm ứng 7 tỷ đồng mua sinh phẩm kit test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á để tài trợ bằng hiện vật cho Bộ Y tế trong phòng, chống dịch phát sinh năm 2020. Tại Agribank, Công ty Bảo hiểm Nông nghiệp chưa thu hồi được gần 4,3 tỷ đồng nợ phí bảo hiểm phát sinh từ 2010, đã trích lập dự phòng 100%.

Có ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định và chưa kê khai nộp thuế với thu nhập từ cung cấp dịch vụ thư tín dụng theo quy định. Như Ngân hàng Quân đội có số dư đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến cuối năm 2021 là 50 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng 100%. Ngân hàng này cũng đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp) nhưng công ty bảo hiểm này hoạt động không hiệu quả từ năm 2009, lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 là 776 tỷ đồng.

Anh Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
8.90 -0.12 (-1.33%)
16.80 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả