menu
Kiểm soát mặt bằng, chống 'chung chi' trong thi công cao tốc Bắc Nam
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiểm soát mặt bằng, chống 'chung chi' trong thi công cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau về việc khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II 2021-2025 và ngăn chặn việc

Đẩy nhanh GPMB

Rà soát của Bộ GTVT đến tháng 5/2023, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025, các địa phương đã đền bù, bàn giao mặt bằng đạt gần 584km (đạt khoảng 81%) và đang tiếp tục triển khai công tác GPMB để hoàn thành trong quý II/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết 18/CP của Chính phủ. Các địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao như: Hà Tĩnh đạt tỷ lệ 82 - 99% tại các dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng; Hậu Giang đạt tỷ lệ 92 - 96% tại các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; Bạc Liêu 98%, Cà Mau 90%...

Kiểm soát mặt bằng, chống 'chung chi' trong thi công cao tốc Bắc Nam
Kiểm soát mặt bằng, chống 'chung chi' trong thi công cao tốc Bắc Nam.

Tuy nhiên, công tác GPMB tại một số địa phương vẫn đang bị chậm, nhất là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, diện tích rừng, đất rừng chuyển đổi... Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, diện tích rừng các loại cần chuyển đổi phục vụ triển khai cao tốc Bắc Nam là hơn 1.491 ha, tăng 437 ha, trong đó, Quảng Bình là địa phương có diện tích rừng cần chuyển đổi tăng thêm lớn nhất (hơn 226 ha), tiếp đến là Phú Yên tăng hơn 102 ha, Bình Định tăng gần 70 ha, Quảng Ngãi tăng gần 20 ha...

Thực tế này nếu không khẩn trương giải quyết, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Trong tổng số 584 km đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460 km, đạt hơn 64%. Điển hình, tại dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, tỷ lệ mặt bằng được tỉnh Quảng Bình bàn giao đạt 65%, diện tích thực tế thi công được chỉ đạt 39%; dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh qua tỉnh Bình Định được bàn giao 76% diện tích mặt bằng, song tỷ lệ tổ chức thi công được chỉ đạt 49%...

Vì vậy, văn bản của Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương phối hợp với các địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình, diện tích GPMB, đảm bảo đủ luận chứng kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, phù hợp thực tế, không ảnh hưởng đến tuyến đường cao tốc sau khi hoàn thành theo quy hoạch... Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc di dời một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hiện hữu, Bộ GTVT ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư các dự án thành phần) có ý kiến chấp thuận phương án di dời để các địa phương tổ chức lập, thẩm định phê duyệt theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng, nhưng còn vướng mắc chưa thể thi công, sớm giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù; xem xét bố trí tạm cư cho các hộ dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; ưu tiên GPMB đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, “xôi đỗ”... để các nhà thầu có mặt bằng, đủ công địa thi công theo đúng kế hoạch.

Nghiêm cấm thỏa thuận "chung chi" với nhà thầu

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA phải thường xuyên phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, nhà thầu trực tiếp tham gia quản lý, điều hành dự án về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, đấu thầu... nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án đầu tư, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận thông tin, ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong quá trình thi công các dự án cao tốc thành phần.

Đặc biệt, Bộ GTVT nghiêm cấm các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án: Thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án; lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm theo các quy định pháp luật và quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp theo quy định pháp luật trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu; tiết lộ thông tin trong đấu thầu, dẫn đến có đơn thư khiếu nại không đúng làm việc lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, phức tạp.

Qua tìm hiểu, các hành vi thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế hoặc "gửi giá, nâng giá" trong hồ sơ dự toán; thỏa thuận với nhà thầu về việc "chung chi" để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; "gửi giá" qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán... nếu không được ngăn chặn từ gốc, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng cao tốc trong quá trình thi công.

Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án phải thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án; phân định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh trong việc hình thành bộ máy, tổ chức quản lý, điều hành chung, huy động đầy đủ nhân sự có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ của dự án; trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư và các thành viên liên danh; có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền để đảm bảo thực hiện hợp đồng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu cho dự án đảm bảo quy định của hợp đồng; các nhà thầu phải xây dựng tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công khả thi, gắn với điều kiện thực tế công tác GPMB, cũng như khối lượng hoàn thành và giá trị hàng tháng của từng mũi thi công.

"Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây khó dễ, nhũng nhiễu, hạch sách khi thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán làm ảnh hưởng tiến độ thi công, giải ngân của các dự án; siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; nghiêm cấm các hành vi can thiệp trái pháp luật vào các hoạt động đầu tư xây dựng", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả