menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Không thu phí môi giới, công ty chứng khoán vẫn lãi nghìn tỷ

Hầu hết các công ty chứng khoán đều tập trung tăng quân số nhân viên môi giới nhưng TCBS lại tập trung vào phát triển công nghệ với tham vọng trở thành công ty quản lý tài sản hàng đầu.

Quán quân lợi nhuận quí II vừa qua không thuộc về những công ty chứng khoán có đội ngũ nhân viên tư vấn hùng hậu hoặc nhiều kinh nghiệm như SSI, VnDirect hay VPS mà thuộc về TCBS với khoản lãi trước thuế hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế nửa đầu năm, công ty chứng khoán của ngân hàng Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.800 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch cả năm 2024.

Điều ngạc nhiên là mặc dù lợi nhuận cao nhưng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán lại rất thấp khi trong quý công ty chỉ ghi nhận 46 tỷ đồng doanh thu từ mảng này, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính chiến lược phát triển mang tên WealthTech - hay còn gọi là tài chính công nghệ - đã giúp TCBS tạo ra sự khác biệt so với các công ty khác.

Không môi giới

Tại nhiều công ty chứng khoán truyền thống, đội ngũ môi giới được coi là nhân lực nòng cốt để thu hút, phát triển, tư vấn và hỗ trợ toàn diện cho các khách hàng.

Theo đó, các khách hàng sau khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán thì dù kết quả đầu tư thế nào, có sử dụng dịch vụ tư vấn và hỗ trợ của nhân viên môi giới đó hay không, thì vẫn phải trả mức phí môi giới khi giao dịch.

Mặt khác, việc phụ thuộc vào nhân viên môi giới cũng khiến các công ty chứng khoán chịu rủi ro khi các môi giới lành nghề, chất lượng cao bị công ty khác lôi kéo.

Với TCBS, kể từ năm 2016, thay vì phát triển đội ngũ môi giới và tự doanh để tìm kiếm khách hàng và thu phí hoạt động như truyền thống, TCBS đã phát triển một nền tảng công nghệ từ đầu đến cuối.

Khách hàng lập tài khoản chứng khoán tại TCBS, gửi tiền, rút tiền, giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu… sẽ không cần giao tiếp với bất kỳ một nhân viên nào tại công ty.

Lợi thế của hệ thống này đó là tiết giảm chi phí trung gian phải trả cho môi giới. Và với một nhà đầu tư nhạy bén, đây là một lợi thế có thể thấy ngay.

Trong bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào, quy tắc chung là muốn lợi nhuận tăng thêm dù chỉ là 1%, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận mức rủi ro tương ứng. Vì vậy, khi cắt giảm được những chi phí trung gian như môi giới, nhà đầu tư có thể kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn mà không phải thay đổi mức chịu đựng rủi ro.

Chấp nhận doanh thu từ nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán thấp, nhưng đổi lại, TCBS đặt ra những mục tiêu khác, tập trung vào thu hút khách hàng, tăng quy mô giao dịch. Có thể kể tới chính sách "zero fee" – miễn phí giao dịch cho khách hàng.

Trong năm thứ hai triển khai chính sách này, giá trị giao dịch cổ phiếu thông qua TCBS lũy kế sáu tháng qua đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Với một nền tảng giao dịch hiện đại, tích hợp công nghệ và chính sách zero fee, TCBS vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng mới mà không cần môi giới quảng cáo.

Một bài toán quan trọng khác, đó là nhân viên môi giới được trả phí không đơn thuần chỉ để hướng dẫn khách hàng dùng dịch vụ mà còn là chuyên gia tư vấn đầu tư. Nhiều môi giới giỏi có thể giúp khách hàng mang lại lợi nhuận lớn.

Để thay thế nhân viên môi giới, TCBS cần một hệ thống công nghệ đáp ứng được những tiêu chí này. Chẳng hạn, đơn vị có TCWealth giúp khách hàng lên kế hoạch đầu tư tối ưu và chi tiết cho mỗi cá nhân.

Trong quá trình giao dịch, TCBS cung cấp công cụ TCAnalysis và MarketWatch, hệ thống báo cáo, phân tích, đánh giá thị trường và các doanh nghiệp niêm yết để tự động đưa ra những đề xuất hỗ trợ toàn diện khi khách hàng quyết định đầu tư.

TCBS còn tạo ra hệ thống sao chép giao dịch - hay còn gọi là copy trade - rất mạnh mẽ, nơi khuyến khích các nhà đầu tư hàng đầu mở dịch vụ cho người khác đầu tư theo. Từ đó, những khách hàng của TCBS lại trở thành "đội ngũ môi giới” hùng hậu nhất.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại sự kiện công nghệ Techcombank Keynote, Chủ tịch TCBS Nguyễn Xuân Minh nhắc tới “chiến lược Wealthtech”, trong đó, TCBS đã có bước tiến vượt trội trong các chiến lược quảng bá, tiếp thị nhờ sử dụng Machine Learning (máy học) và GenAI (trí tuệ nhân tạo).

Hầu hết bộ phận tiếp thị và chăm sóc khách hàng đều ứng dụng GenAI như ChatGPT vào công việc hàng ngày, để tạo các email cá nhân hóa, các thông điệp gửi khách hàng, trang đích, tài liệu hướng dẫn sử dụng và tài liệu sản phẩm… nhằm nâng cao hiệu suất làm việc và sự sáng tạo của nhân viên.

Chiến lược trên nâng vị thế của TCBS, thể hiện quý II là quý thứ ba liên tiếp TCBS duy trì vị trí nhóm ba công ty chứng khoán có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM, với thị phần đạt 7,45%, tăng 0,89% so với quý trước.

Từ đầu năm đến nay, công ty cho biết thu hút gần 60.000 khách hàng mới cùng với giá trị giao dịch cổ phiếu trung bình trên mỗi khách hàng tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ cũng giúp TCBS đứng vững trước tác động của thị trường. Hai năm qua, khi thị trường chứng khoán khó khăn, làn sóng đào thải môi giới đã diễn ra ở nhiều công ty chứng khoán lớn. Với việc không dựa vào đội ngũ môi giới ngay từ đầu, TCBS có thể coi là “miễn nhiễm” với khó khăn này.

Phát triển công nghệ cho vay

Với việc mảng môi giới chứng khoán đã được thay thế bằng công nghệ, cũng như chấp nhận zero fee để thu hút khách hàng, nguồn thu của TCBS sẽ tập trung vào việc cho vay ký quỹ.

TCBS cho biết đang áp dụng hệ thống Toffee để quản lý phân chia các nhóm khách hàng, mức lãi suất và thời gian áp dụng với từng nhóm, từ đó doanh nghiệp có thể ra mắt cùng lúc nhiều chương trình ưu đãi kích thích khách hàng.

Mức lãi suất cạnh tranh, kèm theo các điều kiện vay linh hoạt, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư và tối đa hóa cơ hội lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Năm ngoái, số dư cho vay ký quỹ và các hoạt động ứng trước tiền bán của khách hàng tăng 80%, lên hơn 16.000 tỷ đồng.

Đến sáu tháng đầu năm nay, số lượng khách hàng mới giải ngân lần đầu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán tính đến cuối quý II năm nay tăng 24% so với cuối quý I, thiết lập kỷ lục mới ở mức hơn 24.000 tỷ đồng.

Nghiệp vụ cho vay ký quỹ trong quý II ghi nhận thu nhập thuần hơn 629 tỷ đồng, tăng 12% so với quý I và 61% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 30% vào tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý.

Tham vọng công ty quản lý tài sản

Lợi thế lớn nhất của một doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động đó là khả năng mở rộng quy mô lên hàng trăm, hàng nghìn lần với tốc độ nhanh chóng và chi phí gần như không đổi.

Với TCBS, ứng dụng công nghệ để bứt phá mảng nghiệp vụ chứng khoán mới là phần nổi của tảng băng chìm. Ẩn dưới đó là một mạng lưới các sản phẩm đầu tư, từ chứng khoán, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… dày đặc, liên kết với nhau thành một hệ thống quản lý tài sản khổng lồ.

Trên thực tế, nguồn thu lớn nhất của TCBS vẫn đến từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu, ghi nhận 868 tỷ đồng thu nhập thuần trong quý vừa qua, tăng 268% so với cùng kỳ năm ngoái.

TCBS cũng là đơn vị chiếm thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hiện nay, với tổng giá trị tư vấn phát hành hơn 10.000 tỷ đồng trong quý II.

Lũy kế sáu tháng đầu năm nay, TCBS đã thành công phân phối hơn 33.000 tỷ đồng trái phiếu sơ cấp đến các nhà đầu tư, tăng trưởng 241% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nghệ - một lần nữa biến TCBS là nơi sở hữu nền tảng thỏa thuận mua bán trái phiếu duy nhất trên thị trường Việt Nam - iConnect. Doanh số giao dịch qua iConnect trong quý II đạt hơn 2.678 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước.

Bất chấp thị trường tài chính đang trải qua giai đoạn khó khăn, tổng giá trị tài sản quản lý của TCBS luôn ở mức trên 500 nghìn tỷ đồng.

Những con số này phần nào phản ảnh hiệu quả giải pháp đầu tư và quản lý tài sản của TCBS, từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành công ty Wealthtech lớn nhất Việt Nam về vốn chủ sở hữu, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.

Những tổ chức tài chính quốc tế cũng quan tâm tới tiềm năng của TCBS. Giữa tháng 7 này, TCBS đã huy động thành công khoản vay tín chấp không tài sản đảm bảo quy mô kỷ lục trong ngành chứng khoán Việt Nam trị giá 175 triệu USD với năm định chế tài chính hàng đầu trong khu vực, gồm Standard Chartered, CTBC Bank, Taipei Fubon Bank, Taishin International Bank và KGI.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả