Không giữ được mức giá cao kỷ lục, DBC sẽ đi về đâu?
DBC đã tăng tới 90% trong vòng 4 tuần nhưng đã xuất hiện lực chốt lời mạnh khiến thanh khoản đẩy lên mức cao kỷ lục.
Bị chốt lời mạnh sau 4 tuần tăng giá liên tục và lập một loạt kỷ lục
Phiên đầu tuần, cổ phiếu của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) bị chốt lời tới mức giảm kịch sàn về 26.050 đồng/cổ phiếu. DBC cũng trở thành cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất HOSE, đạt 199 tỷ đồng. Đồng thời đây cũng là phiên có thanh khoản cao nhất lịch sử giao dịch của DBC.
Diễn biến DBC tới phiên ngày 20/4.
Dù vậy, hầu như không có một cổ phiếu nào có thể so sánh với diễn biến tăng giá của DBC trong 4 tuần vừa qua. Mã này đã tăng liên tục trong khoảng thời gian này, từ 14.690 đồng/cổ phiếu lên 28.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 90%.
Đây là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết trong khi nhiều cổ phiếu khác dù hồi mạnh cũng hầu như chưa thể trở lại mặt bằng giá cũ do tác động nặng nề của COVID-19.
Thanh khoản của DBC trong thời gian gần đây cũng đang thực sự lột xác với nhiều phiên giao dịch hàng triệu cổ phiếu. Phiên 9/4 là phiên có thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử của DBC, cổ phiếu cũng bị chốt lời và giao dịch tới 5 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, rốt cuộc việc bị chốt lời mạnh lại hầu như chẳng làm lung lay ý đồ mua lên của nhà đầu tư. DBC vẫn tăng tiếp 40% với một loạt phiên giao dịch được trên 2,5 triệu cổ phiếu.
Với một loạt những "lần đầu tiên", cổ phiếu DBC vẫn có thể chinh phục những mức kỷ lục mới và điều này sẽ phụ thuộc lớn vào kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh trong mùa COVID-19.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có thêm thông tin về kết quả của việc đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu quỹ vào ngày 24/3. Được biết, HĐQT DBC thông qua phương án mua lại 5 triệu cổ phiếu nhằm mục đích bình ổn giá cổ phiếu DBC và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.
Kết quả kinh doanh đánh bật mọi lo lắng
Trong ngày cuối tuần qua, DBC đã công bố chính thức về kết quả kinh doanh quý I/2020. Doanh thu của DBC tăng 41,14% lên 2.386,75 tỷ đồng.
Giá vốn của DBC có xu hướng tăng còn chậm hơn khiến cho Doanh thu gộp tăng tới 2,7 lần lên 619,8 tỷ đồng. Cùng với đó, một loạt các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 18,5%, 30% và 13,5%, đều thấp hơn nhiều tốc độ tăng của Doanh thu gộp. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của DBC tăng 17,38 lần lên 348,72 tỷ đồng.
So với kế hoạch kinh doanh dự kiến được trình vào ĐHĐCĐ thường niên tới đây vào ngày 26/4, DBC đã hoàn thành 18,1% doanh thu và 76,3% kế hoạch lợi nhuận. Cụ thể, DBC dự kiến sẽ trình ra kế hoạch 13.203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sẽ ở mức 457 tỷ đồng.
Theo giải trình của DBC, quý I/2020, Công ty hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án như Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước. Đặc biệt, Nhà máy dầu thực vật Dabaco đã đạt 80-90% công suất chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận chung. Ngoài ra, sản xuất giống lợn, chăn nuôi lợn, gà của Công ty tăng, lợi nhuận các công ty con tăng trưởng.
Cũng trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm nay, DBC cho biết giá lợn và giá thực phẩm đã tăng trở lại kể từ quý IV/2019 sau khi ngành chăn nuôi phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch tả lợn châu Phi.
Sản lượng lợn thịt tiêu thụ đạt 45.719 tấn trong 2019 đạt 104% kế hoạch, tăng 33% so với 2018. Sản lượng lợn thịt năm 2019 tăng mạnh do Tập đoàn đưa vào hoạt động Khu chăn nuôi lợn giống Dabaco Tuyên Quang với quy mô 43.000 con lợn thịt thường xuyên. Và từ tháng 12/2019, dự án Khu chăn nuôi lợn Phú Thọ (giai đoạn 2) quy mô 2.400 con nái được hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động.
Ở mảng gà giống và gà đẻ trứng DBC, Khu chăn nuôi gà giống Bình Phước có quy mô lớn và hiện đại có công suất 350.000 con gà giống ông bà, bố mẹ và Nhà máy ấp trứng công suất 40 triệu con gà giống/năm. Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 80.000 tấn/năm cung cấp 40% sản lượng cho khu chăn nuôi gà giống.
Dù chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng sản lượng tiêu thụ cũng đạt 92% kế hoạch năm 2019. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ bộ sản phẩm trứng giá trị gia tăng khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Với mảng dầu thực vật, nhãn hiệu dầu ăn COBA chính thức có mặt trên thị trường từ 9/2019 được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá tích cực. Nhà máy được đầu tư dây chuyền đồng bộ với đầy đủ các công đoạn từ ép dầu thô, đến chiết xuất tinh luyện dầu ăn. Mỗi năm có khả năng sản xuất ra khoảng 220.000 tấn khô đậu nành, 45 triệu lít dầu ăn các loại và 1.000 tấn Lecithin tinh chiết từ đậu nành, khô đậu nành và đậu nành lên men, là nguồn nguyên liệu tươi, sạch, đảm bảo chất lượng cho Nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận