Không bán hết cổ phiếu ESOP, Sữa IDP sẽ xử lý như thế nào?
Sau thời gian phát hành, còn lại 725.528 cổ phiếu không thể chào bán, chiếm 61,5% số cổ phiếu ESOP phát hành, IDP quyết định không phân phối tiếp.
Công ty cho biết, ngày 14/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của IDP. Theo đó, tổng số cổ phiếu được IDP phân phối là 454.000 cổ phiếu.
Theo kế hoạch công bố, IDP sẽ chào bán gần 1,2 triệu ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động, tương ứng 1,9% số cổ phiếu đang lưu hành. Mức giá này thấp hơn 96% so với thị giá IDP là 253.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, kết thúc thời gian đăng ký, số cổ phiếu phân phối chỉ chiếm 38,5% lượng cổ phiếu chào bán, tương đương với giá trị phát hành khoảng 4,5 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Số cổ phiếu còn lại 725.528 cổ phiếu không thể chào bán, chiếm 61,5% số cổ phiếu ESOP phát hành, IDP quyết định không phân phối tiếp.
Về tình hình tài chính của công ty, IDP ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc, lập đỉnh lợi nhuận trong năm 2023.
Cụ thể, quý IV/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.676 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong kỳ, ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, các khoản chi còn lại đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó mà sau khi trừ các chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi 186 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 6.654 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 894 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là đỉnh lợi nhuận của Sữa Quốc tế kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.
Như vậy, với kết quả đạt được, Sữa Quốc tế đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra năm 2023. Đáng chú ý, trong năm 2023, Sữa Quốc tế tăng trích lập doanh thu hoạt động tài chính thêm 44% lên 146 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh 54% từ 82 tỷ đồng lên 127 tỷ đồng.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội mới công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 2/2023 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024).
Theo danh sách này, có 60.751 đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội nợ bảo hiểm với số tiền nợ từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 57 tỷ đồng.
Trong đó, báo cáo chỉ rõ Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) hiện đang nợ 18 tỷ đồng cùng số tháng đóng chậm lên tới 26 tháng (hơn 2 năm). Ngoài ra, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) cũng bị nêu tên trong danh sách trên với tổng số tiền nợ BHXH là 3,9 tỷ đồng trong 1 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận