24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn

Việt Nam có nhiều tiềm năng trong ngành bán dẫn, nhưng vẫn chưa xác định được nấc thang cần vươn tới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công chip 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế.

Bất chấp năm 2023 chứng kiến sự suy giảm nhu cầu, thị trường bán dẫn toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 25% trong năm 2024. Theo SEMI SEA, tới đầu năm 2030, riêng thị trường bán dẫn cho ô tô sẽ đạt hơn 300 tỉ USD, chiếm hơn 30% tổng doanh số chip toàn cầu. Đây là cơ hội lớn cho những quốc gia có nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Xác định nấc thang cho Việt Nam

Trên thực tế, tiềm năng của Việt Nam tiến lên trong ngành bán dẫn không phải là nhỏ. Ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nước ta còn có trữ lượng dồi dào các kim loại thiết yếu cho ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang ráo riết triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù Việt Nam đã có chiến lược thu hút đầu tư và phát triển ngành chip, nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể sẽ đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng đó.

Bà Virginia Foote, CEO Công ty tư vấn Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch AmCham, nhận định không thể đột nhiên trở thành một người chơi đẳng cấp thế giới từ mức xuất phát điểm thấp trong ngành bán dẫn. Bởi đây là ngành cần khoản đầu tư tốn kém và đào tạo nhiều. “Với sự quan tâm và lập kế hoạch đúng đắn, không có lý do gì để nghĩ rằng Việt Nam không thể tiến lên trong chuỗi cung ứng đó”, bà Virginia Foote nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Steve Blank, để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, cần tới 7 loại công ty khác nhau đại diện cho các phân khúc ngành riêng biệt: từ các nhà thiết kế lõi IP cho tới các công ty chuyên đúc chip hay đóng gói thành phẩm.

Ví dụ với riêng công đoạn thiết kế, trên thế giới chỉ có hơn 150 công ty bán chip IP. Trong khi công đoạn tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chuyên dụng bị chi phối bởi 3 nhà cung cấp Hoa Kỳ: Cadence, Mentor (hiện là một phần của Siemens) và Synopsys.

Từ đây, các thiết kế chip trên phần mềm mới được đưa tới các nhà máy sản xuất chip để biến thành các vật phẩm hữu hình. Tại công đoạn này, các nhà máy cũng cần mua máy móc, nguyên liệu, hóa chất chuyên dụng, với giá thành vô cùng đắt đỏ.
Tất cả là một quá trình phức tạp đòi hỏi hàng ngàn thao tác khác nhau, bởi các công ty khác nhau trên khắp thế giới – thường được tóm gọn bằng 3 bước thường được mọi người biết đến (thiết kế - sản xuất - lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm).

Bà Trần Hà My, Giám đốc quản trị đối tác cao cấp của FPT Software Europe, thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm đúc chip quan trọng nếu có chiến lược đầu tư đúng đắn và huy động được đủ nguồn lực trong và ngoài nước.

Nhiều rào cản lớn cần vượt qua

Các cường quốc bán dẫn trên thế giới đều có những tập đoàn nhà nước và tư nhân lớn dẫn dắt, như TSMC (Đài Loan), ASML (Hà Lan), SMIC (Trung Quốc), hay Samsung (Hàn Quốc). Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chưa có những cái tên đủ tầm vóc như vậy trong ngành bán dẫn do thiếu vốn và bí quyết công nghệ.

Để giải quyết bài toán này, bà Trần Hà My cho rằng Việt Nam có thể tập trung nguồn lực đẩy nhanh mảng R&D, hoặc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cơ sở R&D ngành chip trên thế giới.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và đồng bộ tại các địa phương. Theo bà Trần Hà My, ngoài TP.HCM có chiến lược xây dựng và đầu tư tương đối bài bản phù hợp với tốc độ phát triển của ngành bán dẫn toàn cầu, thì các địa phương khác vẫn chưa có những kế hoạch rõ nét để thuyết phục các tập đoàn quốc tế đến đầu tư. Đây là điều mà các địa phương cần khắc phục ngay.

Ngoài ra, bà Virginia Foote cũng chỉ ra những thách thức khác mà Việt Nam phải đối mặt khi tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, gồm năng lượng, nhân lực và chiến lược dài hạn. Trong đó, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, sẽ là một trong các yếu tố mà doanh nghiệp Mỹ nhìn vào khi quyết định lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến cho sự dịch chuyển đầu tư ngành bán dẫn. Đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, dù Việt Nam có số lượng kỹ sư khá lớn, nhưng lại không nằm trong lĩnh vực bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam cần gấp rút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực này. Về dài hạn, bà Virginia Foote cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên xác định một lĩnh vực cụ thể trong ngành bán dẫn để huy động các nguồn lực.

“Có rất nhiều nhà cung cấp đầu vào, nhiều sản phẩm xuyên biên giới tại các điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng và các công ty ở Việt Nam; sau đó làm việc với từng công ty trên toàn cầu để tìm ra nơi Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Có thể bắt đầu từ mức thấp hơn và sau đó tiến lên”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
136.70 -0.30 (-0.22%)
40.90 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả