Khi đầu tư đất chung, cần lưu ý những gì?
Mảnh đất bán giá 1 tỷ đồng cho hai người bạn thân góp vốn mua chung, nhưng tài khoản của môi giới lại nhận được 1,5 tỷ. Môi giới báo khách chuyển dư 500 triệu thì khách nói nhỏ: “Thu giúp tôi, chút gửi lại tôi 500 triệu”.
Không đủ tài chính để sở hữu riêng bất động sản hoặc muốn chia vốn đầu tư nhiều nơi, không ít người chọn phương án rủ bạn bè, người quen hùn vốn mua chung nhà, đất. Việc góp vốn đầu tư là hoàn toàn bình thường và được pháp luật cho phép.
Thế nhưng, thực tế có không ít vụ việc mất tiền, sứt mẻ tình cảm sau khi đầu tư chung. Thậm chí, có vụ góp vốn chứa đựng những góc khuất mà ngay cả người trong cuộc cũng không hề hay biết.
Là một môi giới nhà đất nhiều năm, chị Lan Hương (Hà Nội) từng môi giới cho nhiều vụ chung vốn đầu tư. Trong đó, có một sự việc đáng nhớ.
Chị Hương kể, chị môi giới cho khách mảnh đất gần 10.000m2 ở Gia Lai, giá bán 1 tỷ. Khách nói rằng mua chung mảnh đất này với một người bạn rất thân, như anh em ruột thịt, chơi với nhau hàng chục năm. Đến ngày công chứng sang tên, tài khoản chị hiện lên con số 1,5 tỷ.
“Tôi báo khách chuyển dư 500 triệu thì khách nháy mắt kéo tôi ra và nhờ: “Thu giúp tôi phần đó, tôi báo bạn tôi mảnh này 1,5 tỷ. Chút gửi lại tôi 500 triệu” - chị Hương chia sẻ.
Dù đã lâu năm trong nghề, nhưng lần đầu tiên chứng kiến trường hợp éo le này, chị Hương vội kéo người em phụ trách pháp lý khu đó ra một góc nói chuyện, không biết nên xử lý ra sao. Người em nghe xong cũng kinh ngạc bảo rằng bạn thân mà sao họ lại lừa nhau số tiền lớn vậy?
Hai chị em đứng suy nghĩ hồi lâu, không biết có nên nói cho người bạn kia biết hay là mặc kệ, vì trong công việc này đôi khi việc thu hộ chủ, hộ khách cũng là luật bất thành văn rất khó nói đúng sai.
Cuối cùng, người em phụ trách pháp lý bảo: “Thôi mình thu giúp họ, vì họ có sự đồng thuận giá 1,5 tỷ này với nhau rồi chứ chị em mình không lừa ai. Giờ mà nói với người kia giá lô đất này có 1 tỷ thôi cũng rất dở”. Chị Hương chốt giá nhưng bày tỏ "trong lòng vẫn rất lấn cấn chuyện bạn thân ăn chênh 500 triệu của nhau".
Chị Thanh Hằng (Hà Nội) cũng có trải nghiệm không vui khi góp vốn mua chung đất với bạn.
Mấy năm trước, vợ chồng chị có 600 triệu đồng tiền nhàn rỗi. Gửi ngân hàng thì lãi suất không cao, chị muốn đầu tư đất nền ở ngoại thành Hà Nội nhưng vốn lại quá ít.
Kể chuyện này với người bạn thân, chị được bạn rủ góp vốn mua chung đất. Bạn nói rằng đất ở Hà Nam quê bạn đang sốt, mua nhanh bán nhanh chỉ trong vài tháng cũng lời cả trăm triệu đồng. Chị gái bạn ở quê vừa mới sang tay một mảnh 800 triệu, trong một tháng lãi hơn 100 triệu đồng.
Sau một hồi trò chuyện, thấy bạn am hiểu về đất quê, lại là chỗ bạn bè thân thiết nên chị đồng ý góp 700 triệu đồng để mua chung với bạn mảnh đất 2 tỷ. Sau 2 tháng, mảnh đất có người trả chênh 300 triệu. Chị Hằng muốn bán nhưng bạn không đồng ý vì nghĩ còn tăng giá nữa.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, giá đất đã rớt, thanh khoản lèo tèo, mảnh đất kia phải bán vội với giá chỉ 1,7 tỷ.
“Bị thua lỗ, tôi cũng tiếc của, có nói vài câu trách bạn. Bạn bảo ai muốn thế, bạn còn tổn thất nhiều hơn. Sau đợt ấy, tình cảm của chúng tôi xa cách, không còn được như xưa”, chị Hằng kể.
Cần lưu ý gì khi mua chung đất?
Góp vốn mua chung đất với bạn bè, người quen có thể giảm bớt gánh nặng tài chính, mang về lợi nhuận cao, song cũng kèm theo những rủi ro có thể dẫn đến mất tiền, mất bạn.
Theo chuyên gia pháp lý, khi góp vốn, nhà đất sẽ thuộc sở hữu chung nên không ai có toàn quyền đưa ra quyết định. Nếu một bên muốn chuyển quyền sử dụng hoặc sử dụng vào các mục đích khác thì phải được sự đồng ý của những người góp vốn còn lại.
Việc phát sinh mâu thuẫn, kiện tụng giữa những người đồng sở hữu mảnh đất rất dễ xảy ra khi các bên không tìm được tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, những người góp vốn mua chung đất thường có mối quan hệ quen biết hoặc thân tình. Không hiếm trường hợp không có sự rõ ràng về pháp lý khi đầu tư chung, ví dụ không có giấy tờ chứng minh tỷ lệ góp vốn, chỉ để một người đứng tên sổ đỏ... dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Vì vậy, khi đầu tư đất chung, không chỉ cần tin tưởng nhau, các bên cần có sự thỏa thuận rõ ràng thể hiện trên giấy tờ về tỷ lệ góp vốn, đứng tên trên sổ đỏ... Pháp luật không có quy định về việc bắt buộc lập thành văn bản hay công chứng, chứng thực hợp đồng (thỏa thuận) góp tiền mua bất động sản. Tuy nhiên, những người góp vốn vẫn nên làm văn bản thỏa thuận rồi công chứng, chứng thực, tránh giao kèo miệng.
Trường hợp các bên phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, các giấy tờ liên quan đến giao dịch sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên đối với phần vốn đã đóng góp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận