Kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2022
Nhà đầu tư chứng khoán cần chú ý động thái tăng lãi suất ngân hàng của Mỹ.
Nền kinh tế đối diện nguy cơ bất ổn
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù trong năm 2021, kinh tế thế giới và Việt Nam đã dần kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng GDP tại nhiều quốc gia khá khả quan, nhưng nguy cơ rủi ro, bất ổn vẫn luôn hiện hữu.
Tại Mỹ, GDP năm 2021 đạt mức cao, 5,4%, nhưng trong năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 4%. Tình hình kinh tế ở Mỹ tính đến cuối năm 2021 tương đối ổn định, tăng trưởng GDP tốt nhưng lạm phát đang tăng rất cao, ở mức 6,9% cho cả năm. Trong năm 2022, lạm phát có thể ở mức 7,1%.
Vừa qua, Chính phủ Mỹ, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đã tuyên bố tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát. Với mức tăng mỗi lần 0,25%, lãi suất sẽ tăng đâu đó khoảng 0,9%.
Mức lãi suất tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối với tình hình kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, GDP của Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%, thấp hơn cả năm 2020, tăng 2,91%, trong khi đây vốn là mức thấp nhất 10 năm trước đó.
Các điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 được ông Hiếu chỉ ra như lạm phát được duy trì ở mức thấp; chỉ số CPI tăng 1,84%; xuất siêu 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỷ giá được giữ ở mức ổn định, tín dụng tăng 8,4%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối diện những rủi ro bất ổn. Dịch bệnh đang tác động nặng nề đến toàn nền kinh tế. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2021 đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, mỗi tháng có tới 10 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động.
Dịch bệnh cũng gây đứt gãy chuỗi cung ứng của toàn nền kinh tế và khiến bội chi ngân sách tăng cao do Chính phủ phải chi nhiều cho hoạt động an sinh xã hội, đầu tư công, hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động.
Mặt khác, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh đầy thách thức, GDP của Việt Nam đạt 354 tỷ USD, đứng thứ 41 trên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song tính trên đầu người, GDP/đầu người/năm của Việt Nam mới chỉ ở mức 3.759 USD, đứng thứ 140 trên 215 trên quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại khu vực Đông Nam Á, GDP bình quân/người của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là mức tương đối thấp so với khu vực và thế giới.
Nhà đầu tư cẩn trọng rủi ro
Trước những dự báo về tăng trưởng kinh tế 2022 sẽ đối diện nhiều biến động khó lường, ông Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng.
Trong 5 thị trường đầu tư truyền thống gồm bất động sản, vàng, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng và đầu tư ngoại tệ, theo ông Hiếu, trong năm 2021, chứng khoán là thị trường có sức bật mạnh nhất. Đà tăng tích cực của thị trường chung trong năm 2021 đã giúp các nhà đầu tư ghi nhận lợi nhuận cao.
Trong năm vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng từ vùng 1.119 điểm lên 1.498 điểm (cuối ngày 31/12), tương đương tăng 33,7%. Chỉ số HNX-Index khi tăng từ 206 điểm lên gần 474 điểm, tương đương gần 130%. Riêng nhóm VN30 cũng ghi nhận mức tăng từ 1.080 điểm lên 1.535 điểm giai đoạn này, tương đương hơn 42%.
Với bất động sản, thị trường cũng ghi nhận sốt nóng song còn phụ thuộc vào từng vùng, từng khu vực. Xét trên tổng thể, thị trường bất động sản vẫn chịu tác động mạnh của dịch bệnh và giãn cách xã hội khiến lượng giao dịch trầm lắng.
Với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, năm 2021, mức lãi suất tiền gửi bình quân các ngân hàng áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên dao động khoảng 5,6-6%/năm, thấp hơn gần 2% so với trước dịch.
Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phổ biến của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng tư nhân cỡ lớn chỉ dưới 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ cũng không vượt quá 7%/năm.
Nếu lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, lợi suất tối đa người dân có thể nhận được trong năm vừa qua chỉ là trên dưới 6%.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi suất tích cực hơn nhiều so với kênh đầu tư ngoại tệ. Trong bối cảnh đồng USD tăng 6,8% trong năm 2021, dù NHNN vẫn giữ quan điểm điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, tỷ giá USD/VNĐ vẫn ghi nhận xu hướng giảm trong năm.
Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ đầu năm 2021 được các ngân hàng thương mại lớn niêm yết ở mức 23.035 - 23.215 đồng/USD (mua vào - bán ra). Đến cuối năm, tỷ giá ngoại tệ này được mua vào phổ biến ở mức 22.640 đồng/USD và bán ra ở 22.920 đồng/USD, tương đương mức giảm 1,3%.
Tương tự, trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm gần 6,5% trong năm, nhà đầu tư vàng nhẫn trong nước cũng chịu mức thua lỗ gần 6% khi giá vàng nhẫn giảm từ 54,9-55,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) hồi đầu năm, xuống 52,25-52,95 triệu/lượng.
Nếu tính cả chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng nhẫn năm qua đã chịu khoản lỗ 3,2 triệu/lượng. Với vàng miếng, tình hình khả quan hơn khi người mua ghi nhận khoản lãi 4,8 triệu/lượng, tương đương 8,6% giá trị đầu tư.
Như vậy, tính trên cả 5 thị trường đầu tư truyền thống thì có đến 4 thị trường là vàng, bất động sản, ngoại tệ và gửi tiết kiệm ngân hàng rơi vào trầm lắng, chỉ có thị trường chứng khoán có sức bật mạnh trong năm 2021.
Trong năm 2022, ông Hiếu cho rằng, chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục là kênh thu hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư. Khi mà nền kinh tế còn khó khăn do dịch bệnh, số lượng người dân đổ tiền vào chứng khoán sẽ còn nhiều.
Ưu điểm của thị trường đầu tư này là dễ ra nhập, thanh khoản cao, nhà đầu tư không cần lượng vốn lớn và có thể nhanh chóng rút khỏi thị trường khi cần.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo các nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng trước những rủi ro. Theo đó, như đã phân tích ở trên, trong năm 2022, Chính phủ Mỹ sẽ tăng lãi suất ngân hàng, điều này sẽ khiến giá chứng khoán giảm do sự biến động tỷ lệ nghịch giữa thị trường chứng khoán và lãi suất.
Khi lãi suất tăng, người dân có xu hướng rút tiền từ chứng khoán để gửi ngân hàng và ngược lại. Những tác động này có thể sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải một ngoại lệ.
Năm 2022, bất động sản được dự báo sẽ có sự phục hồi tốt, thu hút các nhà đầu tư, song điều này cũng còn tùy thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh. Do đó, ông Hiếu cho rằng, khi tham gia vào bất kỳ thị trường nào, nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng.
Thị trường đầu tư mang lại lợi nhuận lớn sẽ đi kèm với rủi ro cao. Trước khi quyết định xuống tiền, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố có thể tác động đến thị trường, tính toán số tiền sẵn sàng bỏ ra đầu tư, thời hạn bao lâu và mức độ rủi ro có thể chịu đựng. Các nhà đầu tư cần xác định rõ "khẩu vị" của mình để bài toán đầu tư mang về hiệu quả cao nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận