KBSV: Khoản đầu tư của ngân hàng Nhật Bản vào VPBank với giá cao hơn giá thị trường gần 50% cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh tế Việt Nam
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) ngày 27/3 đưa ra thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản – thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), thương vụ này sẽ mang lại cho VPB một số lợi thế.
Thứ nhất là cải thiện nguồn vốn cấp 1, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn CAR lên mức cao hơn (hiện tại đang ở mức 12,7% đối với ngân hàng mẹ và 14.9% đối với hợp nhất), qua đó đáp ứng được room tăng trưởng tín dụng lớn (kì vọng room tăng trưởng cao sau khi nhận cơ cấu ngân hàng yếu kém).
Việc hợp tác chiến lược với SMBC là cơ hội để VPB có thể tiếp cận các nguồn vốn vay offshore (nước ngoài) chi phí thấp trong tương lai, qua đó cải thiện NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng, theo KBSV.
VPB sẽ có thêm thế mạnh khai thác tệp khách hàng FDI có mối quan hệ với SMBC.
SMBC sau khi trở thành cổ đông chiến lược, với vị thế là mộ trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của VPB trong dài hạn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, khoản đầu tư của SMBC vào VPB với giá cao hơn giá thị trường gần 50% là một dấu hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của VPB nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong trung – dài hạn, KBSV đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường