JICA ký kết khoản vay hợp vốn trị giá 75 triệu USD hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khoản vay hợp vốn giữa JICA với Ngân hàng VPBank nhằm thúc đẩy tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo.
Ngày 20/10, trong khuôn khổ Chương trình “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết khoản vay hợp vốn trị giá 75 triệu USD với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhằm thúc đẩy tài trợ tín dụng cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ lãnh đạo.
Dự án phù hợp với “Sáng kiến về Cho vay và Đầu tư Hải ngoại khu vực ASEAN” do Chính Phủ Nhật Bản tuyên bố vào năm 2019 và được thực hiện thông qua việc vận dụng “Cơ sở thúc đẩy hòa nhập tài chính cho các nước Châu Á”.
Ngoài ra, Dự án nằm trong “Khuôn khổ Tài chính Bền vững” đồng tài trợ giữa JICA và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) được khởi động vào ngày 30/3, là dự án đồng tài trợ đầu tiên giữa JICA với một tổ chức tài chính tư nhân Nhật Bản tại Việt Nam kể từ khi JICA khởi động lại Chương trình Đầu tư tài chính nước ngoài tại đây.
Tại Việt Nam, DNNVV chiếm 98,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP, thu hút khoảng 63% lao động, nhưng khả năng tiếp cận tài chính của các DNNVV còn hạn chế, đặc biệt rào cản tài chính đối với doanh nhân nữ rất lớn.
Thỏa thuận tín dụng này của JICA phù hợp với Sáng kiến “Thử thách 2X: Tài trợ cho phụ nữ” do các tổ chức tài chính phát triển thuộc nhóm quốc gia G7 phát động.
Khoản tín dụng này, thông qua VPBank, sẽ cung cấp hơn 30% tổng tín dụng cho các doanh nghiệp do phụ nữ kinh doanh và làm chủ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) số 5, 8, 9 và 17 về bình đẳng giới, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Tháng 9/2021, JICA đã phát hành Trái phiếu bình đẳng giới nhằm mục tiêu tăng cường giải quyết các vấn đề giới. Trái phiếu bình đẳng giới được phát hành nhằm “thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới” ở các nước đang phát triển. Dự án này cũng sẽ sử dụng nguồn vốn huy động này.
Khuôn khổ Tài chính bền vững đồng tài trợ giữa JICA và SMBC được cơ quan đánh giá độc lập bên thứ 3 đánh giá là phù hợp và tuân thủ các Nguyên tắc tài chính bền vững, được quốc tế công nhận nhằm đạt được các SDGs. Trong Khuôn khổ Tài chính bền vững này, JICA sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác tích cực với Ngân hàng SMBC, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn tư nhân đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại các nước và khu vực đang phát triển.
Ngân hàng VPBank đã có nhiều năm tham gia vào hoạt động cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các DNNVV với vai trò là một trong những tổ chức tài chính trung gian triển khai dự án vốn vay ODA của Nhật Bản “Hỗ trợ tài chính cho các DNNVV” (III) (được ký vào năm 2009).
Trong những năm gần đây, VPBank được thị trường đánh giá cao trong việc phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ tài chính dành cho các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo. Từ năm 2019, JICA đã và đang triển khai Dự án HTKT "Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng giới thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam" nhằm hỗ trợ thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ, trong đó, VPBank là một trong những ngân hàng đối tác của Dự án.
Sáng kiến về cho vay và đầu tư hải ngoại khu vực ASEAN là sáng kiến do Nhật Bản công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 22 vào tháng 11/2019 về lĩnh vực hòa nhập tài chính khu vực châu Á - ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cam kết "Tăng gấp đôi đầu tư và tài trợ của JICA trong tương lai bằng cách huy động các nguồn vốn bao gồm cả khu vực tư nhân vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tiếp cận tài chính, hỗ trợ phụ nữ và đầu tư xanh, chủ yếu cho khu vực ASEAN”.
Cơ sở thúc đẩy hòa nhập tài chính ở các nước châu Á là một trong những trọng điểm của "Sáng kiến về cho vay và đầu tư hải ngoại khu vực ASEAN", phù hợp với mục tiêu "Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính trong khu vực ASEAN, cung cấp tín dụng cho các tổ chức tài chính trong khu vực nhằm trao quyền cho phụ nữ, người có thu nhập thấp và hỗ trợ DNNVV”. Tài chính bền vững đề cập đến việc sử dụng công cụ tài chính để giải quyết các vấn đề cần thiết trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên cơ sở xem xét các yếu tố Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG). Thử thách 2X: Tài trợ cho phụ nữ là sáng kiến do nhiều tổ chức tài chính phát triển ở các quốc gia G7, bao gồm JICA, phát động vào tháng 6/2018. Thử thách đặt mục tiêu huy động 3 tỷ USD vào năm 2020 cho các dự án trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Năm 2021, để mở rộng hơn nữa sáng kiến này, Thử thách đặt mục tiêu mới huy động 15 tỷ USD trong hai năm 2021-2022. 2X thể hiện mục tiêu tăng gấp đôi về số vốn huy động và hiệu quả đầu tư cho các doanh nhân nữ và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Trái phiếu bình đẳng giới được phát hành vào tháng 9/2021 nhằm mục tiêu tăng cường giải quyết các vấn đề giới khi vấn đề này trở nên nổi bật trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Trái phiếu được huy động sử dụng trong các dự án JICA nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới ở các quốc gia đang phát triển. Các Nguyên tắc Tài chính bền vững được quốc tế công nhận nhằm đạt được các SDGs: Nguyên tắc trái phiếu xanh, Nguyên tắc trái phiếu liên kết bền vững, Nguyên tắc trái phiếu xã hội, Hướng dẫn về trái phiếu bền vững của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội thị trường cho vay (LMA). Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng giới thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam” là dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ thuộc “tầng đáy kim tự tháp” (BOP: Base of the Pyramid) thông qua tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, hướng tới tăng cường tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam. |
(theo JICA Việt Nam)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường