IR và câu chuyện nâng hạng thị trường
IR (Investor Relation hay Quan hệ nhà đầu tư) là một trong những hoạt động quan trọng đối với các doanh nghiệp niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Một doanh nghiệp duy trì quan hệ tốt với cổ đông sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, từ khả năng huy động vốn cho đến những cơ hội phát triển sau này. Quan trọng hơn là tính minh bạch - yếu tố cốt lõi của hoạt động IR - cũng là một trong những tiêu chuẩn để lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư trong bối cảnh nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về mặt bản chất, IR là hoạt động cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin về doanh nghiệp một cách minh bạch, công khai. Hoạt động IR cũng là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của các doanh nghiệp niêm yết và hiện đang ngày càng được chú trọng hơn. Đáng nói, không phải cái tên nào cũng xây dựng được một chiến lược IR hiệu quả và bài bản, một phần do chưa hiểu hết những lợi ích mà câu chuyện này có thể mang tới.
Làm IR bài bản sẽ chỉ có lợi
Như đã nêu, cốt lõi của hoạt động IR là minh bạch trong công bố thông tin đến các nhà đầu tư. Sự minh bạch này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt với nhà đầu tư và xét trên nhiều góc độ sẽ mang đến rất nhiều lợi ích.
Đầu tiên là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Trên thực tế, việc đảm bảo được nguồn vốn là điều tối quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào, có vai trò quyết định đến khả năng tồn tại và phát triển. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng quan hệ tốt với cổ đông, qua đó cũng mang đến cơ hội tiếp cận các nguồn vốn khác khi cần. Bởi lẽ, những nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường sẽ sẵn lòng dốc hầu bao để đồng hành lâu dài cùng một doanh nghiệp cởi mở, đảm bảo minh bạch và mang đến sự tin tưởng; từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để mở rộng, thực hiện các chiến lược kinh doanh mới hay hiện thực hóa những cơ hội bất chợt xuất hiện.
Thứ hai là sự uy tín và đẩy mạnh tên tuổi của doanh nghiệp. Các cổ đông - dù là chiến lược hay nhỏ lẻ - cũng đều sở hữu một mạng lưới các mối quan hệ riêng. Việc có được họ đồng hành tạo cơ hội để doanh nghiệp kết nối với các mối quan hệ này, qua đó giúp xây dựng danh tiếng và làm nên uy tín cho thương hiệu. Một tên tuổi có tiếng tăm sẽ mang đến những thuận lợi không thể chối bỏ trong dài hạn, nhất là khi doanh nghiệp đang có kế hoạch thâm nhập các thị trường mới.
Bên cạnh đó là lợi ích về quản trị. Làm IR tốt sẽ mang lại uy tín và danh tiếng tốt, qua đó thu hút khách hàng mới, đối tác mới. Đáng chú ý, những nhân sự tốt nhất thị trường cũng thường sẽ chọn những tên tuổi như vậy để tham gia, mang lại lợi ích lớn về dài hạn. Trong bối cảnh các tiêu chuẩn ESG đang được áp dụng như một xu thế không thể đảo ngược, việc có được những nhân sự tốt có thể xem như “tài sản” quý giá, là nguồn động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau này.
Ngoài ra, một doanh nghiệp hoạt động IR bài bản cũng sở hữu khả năng chống đỡ tốt hơn trong thời kỳ khó khăn. Vào giai đoạn kinh tế đi xuống, các doanh nghiệp thường khó đảm bảo được nguồn vốn, trong khi giới đầu tư thì ngần ngại xuống tay cho những thương vụ mới. Tuy vậy, khi xây dựng được mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư, tiềm năng tìm được người sẵn sàng hỗ trợ sẽ cao hơn. Sự hỗ trợ có thể không nằm ở nguồn vốn mà còn qua những lời khuyên hay góc nhìn giá trị, xét trên việc những nhà đầu tư tiềm năng luôn có sẵn những mối quan hệ đủ mạnh để làm điều đó.
Để gia tăng giá trị doanh nghiệp thì hoạt động IR không nên chỉ dừng ở truyền tải thông tin mà cần phải hiện diện trong quản trị đường lối của chính doanh nghiệp. IR đóng vai trò là “người” truyền tải thông tin theo ngôn ngữ mà nhà đầu tư mong muốn. Doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện hoạt động IR mà trong đó là sự kết hợp giữa tài chính và marketing cho cộng đồng được hiểu theo nghĩa rộng là phải tiếp cận gồm nhà đầu tư quá khứ, hiện tại và nhà đầu tư tiềm năng. Phương thức thực hiện IR cần nâng cấp và thay đổi, nhìn nhận sự ảnh hưởng của các kênh trên không gian mạng (social network) là một trọng yếu.
IR và câu chuyện nâng hạng thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng từ thị trường cận biên sang mới nổi của FTSE Russell. Đây là mục tiêu được đặt ra đã lâu và chúng ta đã lỡ hẹn nhiều năm kể từ khi được đưa vào danh sách năm 2018 cho tới nay.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đánh giá. Song, vẫn chưa đủ điều kiện nâng hạng vì không đạt tiêu chí Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP), (hiện được đánh giá là "Hạn chế" - Restricted), do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch) và tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm (do nhà đầu tư cần có tiền trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại).
Việc nâng hạng thị trường là một mục tiêu quan trọng, nhận được sự quan tâm nhiều từ Chính phủ và các ban ngành liên quan. Bởi lẽ, theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), thị trường được nâng hạng sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng với giá trị khoảng 7.2 tỷ USD/năm cho Việt Nam, chủ yếu từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới. Hơn nữa, nâng hạng thị trường sẽ cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, do có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp. Đây là sự hỗ trợ lớn cho quá trình cổ phần hóa, để việc thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần Nhà nước dễ dàng hơn, giúp nâng cao nguồn thu cho Ngân sách.
Để đáp ứng được 2 tiêu chí còn lại của FTSE Russel, cần sự cải thiện lớn, sự phối hợp giữa Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Bộ, ban ngành liên quan. Tuy nhiên, song song với đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là đảm bảo giữ vững các tiêu chí đã đáp ứng từ trước, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Trong đó, bao gồm cả tiêu chí minh bạch về thông tin.
Nguồn: Báo cáo xếp hạng tháng 9/2023 từ FTSE Russell
Đây là lý do vì sao doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt hoạt động IR, đảm bảo thông tin đến nhà đầu tư được công khai, minh bạch; bởi khi thị trường được nâng hạng, đối tượng được hưởng lợi trước tiên là các doanh nghiệp niêm yết. Với sự xuất hiện của các nhà đầu tư tổ chức, có quy mô lớn, tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư sẽ được đảm bảo, đồng thời góp phần kìm hãm rủi ro biến động thị trường từ tác động tâm lý đến các nhà đầu tư cá nhân. Hơn nữa, sẽ tồn tại một áp lực “tích cực”, nơi các doanh nghiệp cần tìm cách nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế, nhằm phục vụ mục tiêu chung cho một thị trường chuyên nghiệp, bền vững.
Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch FIDT, Thành viên HĐQT Chứng khoán APG
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường