IMF cảnh báo suy thoái kinh tế ở các quốc gia nghèo nếu không gia hạn các nghĩa vụ nợ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về “sự sụp đổ kinh tế” ở một số quốc gia có thu nhập thấp trừ khi các chủ nợ ở các quốc gia giàu nhất thế giới đình chỉ các nghĩa vụ trả nợ và giúp đàm phán lại các điều khoản mới.
Hôm thứ Năm (2/12), Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva và người đứng đầu bộ phận đánh giá chính sách và chiến lược của IMF Ceyla Pazarbasioglu cho biết, khoảng 60% các quốc gia nghèo nhất thế giới có nguy cơ cao hoặc đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, gấp đôi so với tỷ lệ vào năm 2015.
Các quan chức IMF cho biết, với sáng kiến đình chỉ các khoản nợ của G20 sẽ hết hạn vào cuối năm nay và lãi suất có xu hướng chuẩn bị tăng, “các nước thu nhập thấp sẽ ngày càng khó trả nợ. Chúng ta có thể thấy kinh tế sụp đổ ở một số quốc gia trừ khi các chủ nợ G20 đồng ý đẩy nhanh việc tái cơ cấu nợ và đình chỉ dịch vụ nợ trong khi việc tái cơ cấu đang được đàm phán”.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các quốc gia nghèo nhất thế giới, gây ra cuộc suy thoái có thể đẩy hơn 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. Những thách thức đang gia tăng với việc phát hiện ra biến thể Omicron, biến thể này có thể đang thúc đẩy một làn sóng lây nhiễm mới.
Theo trang web của Ngân hàng Thế giới (WB), Afghanistan và Ethiopia nằm trong số 30 quốc gia có nguy cơ cao về nợ nần trong khi Grenada, Mozambique, Cộng hòa Congo, Sao Tome và Principe và Somalia đang gặp phải tình trạng này,
Sáng kiến đình chỉ các nghĩa vụ nợ của G20, có hiệu lực vào ngày 1/5/2020 cho đến nay đã cung cấp khoản cứu trợ hơn 10,3 tỷ USD cho hơn 40 quốc gia đủ điều kiện.
Các quan chức của IMF Georgieva và Pazarbasioglu đã kêu gọi G20 duy trì kế hoạch đình chỉ các nghĩa vụ nợ và nên được “đẩy mạnh” để giúp các quốc gia nghèo hơn.
Các quan chức IMF cho biết, hết thời hạn giải đình chỉ sẽ buộc “các nước tham gia phải tiếp tục thanh toán nghĩa vụ nợ. Cần phải có hành động nhanh chóng để xây dựng lòng tin trong khuôn khổ và cung cấp lộ trình giúp đỡ các quốc gia khác đang đối mặt với nguy cơ nợ ngày càng gia tăng”.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị thu hẹp lại các chính sách tiền tệ và điều này có thể gây ra nhiều rắc rối hơn.
"Không nghi ngờ gì, năm 2022 sẽ còn nhiều thách thức hơn với việc thắt chặt các điều kiện tài chính quốc tế trong thời gian tới”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận