Hợp tác độc quyền, ACB của ông Trần Hùng Huy gây sốt với phí “lót tay” lên tới 101 USD/khách hàng?
khoản phí trả trước (lót tay), ACB của ông Trần Hùng Huy nhận được khi ký kết hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm với Sun Life Việt Nam lên tới 101 USD/khách hàng.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo cập nhật đề cập tới mức phí trả trước trong vụ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB) do ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT.
ACB của ông Trần Hùng Huy gây sốt với phí "lót tay" lên tới 101 USD/khách hàng?
Theo VCBS, ACB của ông Trần Hùng Huy và Sun Life Việt Nam đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với mức phí trả trước (Upfront fee) lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Mức phí này cao gấp 4 lần so với con số dự báo khoảng 90 triệu USD do nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính trước đó.
Với 370 triệu USD, phí "lót tay" trả trước ngân hàng nhận được từ công ty bảo hiểm lên tới 101 USD/khách hàng – mức cao kỷ lục trong các thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền tại Việt Nam từ trước đến nay. Trong cú bắt tay giữa Techcombank và Manulife mức phí này khoảng 41,4 USD/khách hàng; TPBank và Sun Life (30,9 USD/khách hàng) và Vietcombank với FWD chỉ vào khoảng 26,8 USD/khách hàng.
Mức phí trả trước cao mà ACB của ông Trần Hùng Huy có được, theo VCBS gồm các lý do: Thứ nhất, do doanh thu bán bảo hiểm của ngân hàng đạt 939 tỷ đồng trong năm 2019, đứng thứ 6 toàn hệ thống các ngân hàng. Không dừng lại ở đó, ACB đã vươn lên đứng thứ 3 về doanh số bán bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm - theo thông tin từ Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, ACB là ngân hàng có doanh số bản bảo hiểm tốt nhất trong nhóm ngân hàng chưa có hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Việc các ngân hàng hiện tại chưa có hợp đồng độc quyền còn rất ít khiến cho quyền lực trong đàm phán của các các ngân hàng này tăng lên so với các công ty bảo hiểm.
Thứ hai, ngân hàng của ông Trần Hùng Huy hiện sở hữu tệp khách hàng nhiều tiềm năng để khai thác. Cụ thể, ACB của ông Trần Hùng Huy có mạng lưới 371 chi nhánh cùng với số lượng khách hàng cá nhân thường xuyên lớn lên tới 3,6 triệu người. Địa bàn kinh doanh của ACB trải rộng khắp cả nước với 103 chi nhánh ở miền Bắc, 58 chi nhánh ở miền Trung và 210 chi nhánh ở miền Nam.
Đại diện phía ngân hàng cho biết, công ty bảo hiểm Sunlife hiện đã có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng bảo hiểm độc quyền đối với một số ngân hàng khác nên đã có danh mục sản phẩm đa dạng, có nhiều lợi ích cho khách hàng. Ngoài ra, quá trình thay đổi và đào tạo nội bộ cũng được bắt đầu diễn ra ngay trong tháng 12/2020 và dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động ổn định ở quý II/2021.
Về hạch toán lợi nhuận từ phí Upfront, ACB khả năng cao sẽ lựa chọn cách thức hạch toán qua nhiều năm để tránh ảnh hưởng lớn tới vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh các năm sau đó.
ACB gia nhập câu lạc bộ ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ năm 2021?
Đánh giá về triển vọng của ACB trong năm 2021, nhóm phân tích công ty chứng khoán VCBS đánh giá, ngoài hợp đồng độc quyền bảo hiểm, tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trung bình ngành là một trong những kỳ vọng chính cho triển vọng của ACB năm 2021.
Cụ thể, dưới sự điều hành của ông Trần Hùng Huy, ACB ghi nhận tín dụng tăng trưởng 10,7% sau 9 tháng đầu năm 2020, nhanh hơn mức tăng trưởng 6,09% của toàn ngành. Với lợi thế nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào từ lợi nhuận giữ lại, VCBS kỳ vọng ACB sẽ tiếp tục được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành trong các năm tiếp theo.
Một yếu tố khác cũng được kỳ vọng là động lực cho ACB trong năm tới, đó là danh mục trái phiếu chính phủ có giá trị thị trường cao hơn giá trị sổ sách.
Hiện ACB sở hữu danh mục trái phiếu chính phủ đạt 61.632 tỷ đồng, lợi suất danh mục trái phiếu ghi nhận đạt 5,0% trong quý III/2020. Mức lợi suất ghi nhận cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu trên thị trường ở mức 1 – 3%. Như vậy, ACB có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoản đầu tư nếu thực hiện bán bớt lượng trái phiếu chính phủ này.
Ba là, thực hiện niêm yết trên sàn HOSE. Hiện thủ tục chuyển niêm yết qua sàn HOSE đang ở giai đoạn phê duyệt cuối cùng và nhiều khả năng sẽ được thông qua trong thời gian ngắn sắp tới. Cổ phiếu ACB dự kiến sẽ được thêm vào rổ chỉ số VN30 ở kỳ đảo danh mục tháng 7/2021.
Năm 2020, VCBS dự phóng ACB có thể đạt 8.817 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 17,3% so với cùng kỳ, tương đương EPS đạt 3.263 đồng/cổ phiếu
Trong năm 2021, với giả định ACB sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng từ Upfront fee hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong kịch bản cơ sở, lợi nhuận trước thuế ước tính của ACB đạt 11.160 tỷ đồng, tăng 26,6%, tương đương EPS đạt 4.130 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận