Họp ĐHĐCĐ PV Gas: Lãi quý I tăng 48%, thoái vốn PV Pipe trong năm nay
Tổng công ty đặt kế hoạch 2022 doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 0,2% và 20,5% so với năm trước.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 sáng 15/4, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua các tờ trình, bao gồm báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm và phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, kế hoạch sản xuất kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2022.
Chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 25%, sản lượng khí đầu vào dự kiến tăng 23%
Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 là 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 7.039 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,2% và 20,5% so với thực hiện trong năm 2021. Trên cơ sở đó, Tổng công ty dự kiến chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 25%. Kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định giá dầu 60 USD/thùng và tỷ giá là 1 USD đổi 23.800 đồng.
Bên cạnh đó, PV Gas cũng lên kế hoạch giải ngân đầu tư xây dựng cho công ty mẹ dự kiến là 4.522 tỷ đồng. Tổng công ty cũng xây dựng hai kịch bản cho năm nay dựa trên nhu cầu điện toàn quốc tăng 8% và 12% so với năm trước.
Về kế hoạch sản lượng năm 2022, PV Gas dự kiến sản lượng khí ẩm, LNG tiếp nhận và vận chuyển là 9.150 triệu m3 (tăng 23% so với sản lượng 2021), trong đó LNG nhập khẩu 140 triệu m3, sản lượng khí khô tiêu thụ là 8.853 triệu m3.
Lãnh đạo PV Gas cho biết hoạt động của doanh nghiệp dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, thách thức đối mặt còn đến từ xu thế chuyển dịch năng lượng, biến động giá các sản phẩm dầu mỏ, gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện; xuất hiện đơn vị kinh doanh cạnh tranh trực tiếp sản phẩm khí (LNG); dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao.
Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung, khách hàng. Việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh doanh LNG, LPG (các kho quy mô) tiếp tục gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định đối với doanh nghiệp cổ phần Nhà nước chi phối…
Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua bổ sung hai ngành nghề kinh doanh gồm kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Lãnh đạo PV Gas cho biết việc bổ sung để phù hợp và thống nhất với nội dung ngành nghề đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 17, ngày 13/10/2021 và phù hợp với thực tế hoạt động của Tổng công ty (vận hành, khai thác, kinh doanh Tòa nhà PV Gas Tower) và kế hoạch đầu tư trong tương lai của PV Gas.
Doanh thu quý I đạt 25.300 tỷ đồng
Chia sẻ về kết quả sản xuất kinh doanh quý I, ông Hoàng Văn Quang, Tổng giám đốc PV Gas cho biết sản lượng khí đạt khoảng 1,9 tỷ m3 khí khô, tương đương 83% kế hoạch tập đoàn giao), sản xuất và cung cấp 32.000 tấn condensate (đạt 190% kế hoạch); sản xuất và kinh doanh 545.000 tấn LPG (bằng 140% kế hoạch). Các chỉ tiêu tài chính vượt kế hoạch 28-45%, tổng doanh thu đạt 25.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 3.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 48% so với cùng kỳ 2021.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 2021, lãnh đạo tổng công ty cho biết trong năm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Gas. Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 14-79% tăng so với năm 2020.
Doanh thu năm 2021 tăng 23% đạt 78.992 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu bán và vận chuyển khí. Song các chi phí đều tăng như chi phí tài chính hơn gấp đôi do tăng lãi vay từ 101 tỷ lên 304 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 92% khi phát sinh thêm gần 248 tỷ đồng phí sử dụng thương hiệu, 195 tỷ đồng chi phí phòng dịch Covid-19 và 368 tỷ đồng chỉ phí dự phòng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng 11% đạt gần 8.852 tỷ đồng và thực hiện 126% kế hoạch năm.
Năm vừa qua là năm doanh nghiệp có số lượng kinh doanh LPG cao nhất từ khi thành lập PV Gas đến nay trên 2 triệu tấn về đích tước kế hoạch 2 tháng, Tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% số lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Tổng công ty tập trung vào các dự án lớn như kho chứa LNG 1 tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải - Phú Mỹ, mở rộng nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm, bồn chứa LPG Thị Vải, LNG tại Bắc Bộ. dự án kho LPG lạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4, cổ phiếu GAS có giá 115.100 đồng/cổ phiếu, tăng 34% so với cùng thời điểm năm 2021.
Tổng giám đốc Hoàng Văn Quang đã giải đáp nhiều câu hỏi của cổ đông về kế hoạch và định hướng kinh doanh của tổng công ty tại đại hội.
- Chiến lược phát triển của tổng công ty những năm tới trong bối cảnh có các đối thủ cạnh tranh lĩnh vực LNP, LPG như thế nào? PV Gas hiện đang có kế hoạch hợp tác với các đối tác lớn trong lĩnh vực năng lượng nào không, lợi ích ra sao?
PV Gas với nội lực của mình, tự tin sẽ đứng vững và phát triển trong giai đoạn tới. Trong giai đoạn đến năm 2025 được sự chấp thuận của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, tổng công ty sẽ tham gia xây dựng, phát triển tất cả các khâu chuỗi giá trị khí, LNG, sản phẩm khí... Ngoài ra, tổng công ty sẽ tham gia đầu tư vào các nhà máy điện khí, LNG trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các chuỗi giá trị khí điện, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh của đầu ra cuối cùng.
Giai đoạn 2021-2025, PV Gas đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm 7-9%, thị phần trong nước, khí khô chiếm 100%, LNG trên 50%, LPG là trên 70%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ đạt trên 20%/năm. Để thực hiện các mục tiêu chiến lược nói trên, PV Gas sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp quan trọng gồm quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường và đầu tư phát triển.
PV Gas thấy rằng việc mở rộng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước có vai trò quan trọng, mang lại nhiều cơ hội nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động của PV Gas. Đối với từng dự án, tổng công ty sẽ đánh giá, xem xét cơ hội đầu tư một cách cẩn trọng.
Các đối tác trong nước, PV Gas hiện hợp tác với PVIT, Vina Capital, và một số đơn vị dịch vụ khác trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Đối với các đối tác nước ngoài, hiện doanh nghiệp đang hợp tác với tập đoàn AES (Mỹ), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KoGas)...
- Thách thức của PV Gas trong thời gian tới?
Tổng công ty xác định sẽ tham gia và sản xuất ở những sản phẩm cuối trong chuỗi ngành khí như hoá dầu từ khí... Công ty cũng nâng cao năng lực cạnh tranh, đang xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số để nâng cao năng suất.
- Với giá dầu cao và tình hình kinh tế chính trị bất ổn dẫn đến giá LNG tăng cao, điều này ảnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ khí LNG tại Việt Nam? PV Gas có kế hoạch thích ứng với vấn đề này như thế nào? Dự kiến khi nào nhập khẩu LNG?
Về tình hình triển khai các dự án hạ tầng LNG, kho chứa LNG Thị Vải với khách hàng chính là nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, các dự án liên quan đang được triển khai đúng theo tiến độ và có thể đi vào hoạt động vào cuối tháng 11 năm nay.
Việc mở rộng kho chứa LNG Thị Vải từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn, hiện đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Bộ Công thương thẩm định. Hệ thống đường ống LNG Thị Vải - Phú Mỹ đã hoàn thành thi công lắp đặt. Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ, PV Gas đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư và tiến hành các thủ tục để thành lập Công ty Kho cảng LNG Sơn Mỹ, đảm bảo tiến hành, xây dựng đầu tư kho phù hợp với tiến độ các dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2.
Ngoài các dự án tại miền Nam, Nam Trung Bộ, PV Gas cũng đang tích cực tìm kiếm, đầu tư dự án tại khu vực phía Bắc.
- Kế hoạch năm 2022 của PV Gas được xây dựng trên cơ sở giá dầu 60 USD/thùng, nếu giá dầu biến động kịch bản lợi nhuận của PV Gas sẽ như thế nào?
- Kế hoạch thoái vốn tại PV Pipe và Gas South như thế nào?
Với Gas South, PV Gas đang tiếp tục đánh giá, xem xét để có thể đưa ra thời điểm thoái vốn thích hợp. Theo kế hoạch được tập đoàn phê duyệt, tổng công ty sẽ thoái vốn trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đại hội kết thúc với việc các nội đung HĐQT trình được thông qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận