24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Hòa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hơn 600 nghìn tỷ vốn bị ảnh hưởng, ngân hàng "ném đá dò đường": Thông tư 03 sửa nhưng chưa hết khó

Chỉ sau hơn 4 tháng ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung.

Sửa đổi Thông tư 03: Hơn 600 nghìn tỷ vốn bị ảnh hưởng, ngân hàng và doanh nghiệp dễ thở hơn

Trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 mới được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để lấy ý kiến đề cập, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đủ điều kiện được thực hiện đến ngày 30/6/2022, tức kéo dài thêm 6 tháng so với Thông tư 03/2021/NHNN.

Bên cạnh đó, việc cho phép cơ cấu lại các khoản vay từ đầu năm đến nay, cũng như từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày có hiệu lực của dự thảo sửa đổi Thông tư 01.

Hơn 600 nghìn tỷ vốn bị ảnh hưởng, ngân hàng "ném đá dò đường": Thông tư 03 sửa nhưng chưa hết khó
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. (Ảnh: SBV)

Theo TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng và mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tới doanh nghiệp đang rất nặng nề, đây là cơ hội giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi.

Cùng với đó, việc gia hạn có thể xem xét không chỉ một lần để phòng ngừa đại dịch kéo dài và tránh phải sửa Thông tư nhiều lần.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Như Ánh , Thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB cho rằng, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn ra trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến cả các khách hàng được thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 03 và những khách hàng chưa thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03.

Chuỗi sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đang tạm thời bị gián đoạn, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch hay các lĩnh vực sản xuất có nhiều người lao động bị mắc Covid.

Do đó, toàn bộ dòng tiền của rất nhiều chủ thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo đó, việc cơ cấu giãn thời gian trả nợ gốc và lãi cho cả khách hàng đã được cơ cấu và chưa được cơ cấu là vô cùng cần thiết.

"Tại MB, chúng tôi tuân thủ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch gây ra nhiều khó khăn hơn, theo chúng tôi, việc giãn thời gian trả nợ gốc và lãi theo dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và phù hợp, nhằm giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn để từ đó, phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn", ông Ánh nhấn mạnh.

Tổng hợp sơ bộ từ 14 tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng, từ ngày 10/6 đến nay có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1.190 nghìn tỷ đồng.

Từ thực tế kể trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá quy định như dự thảo là "tạm chấp nhận được", vì ngân hàng đang trong cảnh "ném đá dò đường", chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Trước mắt, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Hơn 600 nghìn tỷ vốn bị ảnh hưởng, ngân hàng "ném đá dò đường": Thông tư 03 sửa nhưng chưa hết khó
Từ ngày 10/6 đến nay có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh: BID)

Ngân hàng chưa hết khó?

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, nhiều quy định còn làm "khó" ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ hết trong dự thảo lần này.

"Dự thảo sửa đổi chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vay từ sau ngày 1/8 cũng rất khó khăn. Hơn nữa, Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nên việc kéo dài đến ngày 30/6/2022 vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Thông tư nên quy định được cơ cấu nợ cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch", ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, cho biết.

Ngoài ra, việc quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng như Dự thảo sửa đổi, cũng là một quy định bất cập.

Theo ông Vượng, không có cơ sở nào để cho rằng, doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng là sẽ có khả năng trả nợ. Chính vì vậy, quy định 12 tháng là không có căn cứ, cần được sửa đổi.

"Ngân hàng Nhà nước nên quy định cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền thực tế, chứ không nên đưa ra thời hạn 12 tháng", ông Vượng nói.

Trước đó, đại diện BIDV cũng cho rằng, việc giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay.

Chính vì vậy, BIDV đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn. Nếu không sửa đổi, năm 2022, chắc chắn hàng loạt khách hàng không thể trả nợ.

Thực tế, với khoản cho vay trung, dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.

Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn, mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nên sẽ tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng.

Chính vì vậy, các ngân hàng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, chứ không nên quy định là tối đa 12 tháng. Quy định hiện Thông tư 03 sẽ làm méo mó dòng tiền.

Một vướng mắc nữa của Thông tư 03 cũng không được Dự thảo sửa đổi đề cập là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro.

Trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, Hiệp hội Ngân hàng và các NHTM đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện tại. Tuy nhiên, trong Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định này.

"Nếu Thông tư 03 chỉnh sửa, sửa đổi không đạt được như các đề xuất đã nêu thì thời gian tới chắc chắn vẫn là khó khăn và ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của các ngân hàng", lãnh đạo một ngân hàng cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
45.55 -0.15 (-0.33%)
35.10 +0.10 (+0.29%)
9.62 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả