Hơn 102.000 tỉ phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, áp lực sụt giảm lãi cơ bản trên cổ phiếu
Việc hàng trăm doanh nghiệp niêm yết lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn tới 102.600 tỉ đồng cho cả năm 2021, cao kỉ lục từ trước đến nay, khiến áp lực pha loãng, tăng nguy cơ giảm lãi cơ bản trên cổ phiếu.
Trong 1 tuần nay, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) bị bốc hơi gần 1.348 tỉ đồng, giá cổ phiếu giảm hơn 10%.
Làn sóng tháo chạy đến từ việc Đất Xanh thông báo kế hoạch phát hành thêm 207 triệu cổ phiếu, ngay trước thềm đại hội đồng dự kiến tổ chức ngày 26-6 tới.
Cụ thể, Đất Xanh muốn phát thành thêm 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ (giá phát hành đã chiết khấu 20% so với bình quân giá đóng cửa trong 20 phiên giao dịch gần nhất) và 7 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên - ESOP (giá phát hành 0 đồng).
Lo sợ cổ phiếu bị pha loãng, hàng loạt nhà đầu tư lũ lượt thoát hàng, giá cổ phiếu hứng chuỗi giảm sàn liên tiếp, khối lượng giao dịch tăng đột biến.
Chứng kiến làn sóng tháo chạy, bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI nhận định phương án phát hành riêng lẻ trên sẽ "ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu, vì rủi ro pha loãng cũng như giá chào bán phát hành".
Trước làn sóng phản đối, lãnh đạo Đất Xanh phản ứng bằng cách điều chỉnh giá phát hành ESOP năm 2021 lên 10.000 đồng thay vì giá 0 đồng/cổ phiếu như công bố trước đó. Giá chiết khấu của cổ phiếu riêng lẻ từ 20% lúc trước, giảm còn 10-15%. Ngoài ra, Đất Xanh cũng quyết định mức giá phát hành không thấp hơn 20,000 đồng/ cổ phiếu.
Kết thúc năm tài chính 2020, Đất Xanh ghi nhận doanh thu 2.891 tỉ đồng, hoàn thành 59% so với kế hoạch, lỗ sau thuế 496 tỉ đồng.
Không riêng Đất Xanh, trước đó Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng công bố kế hoạch phát hành 16,8 triệu cổ phiếu, giá chào bán riêng lẻ là 35.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 56,3% so với giá đỉnh 80.000 đồng.
Sợ bị thua thiệt, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng bán ra, cổ phiếu GIL quay đầu giảm mạnh. Trong một tháng nay cổ phiếu GIL giảm giá hơn 20%.
Năm nay nhiều doanh nghiệp cũng trình phương án phát hành thêm cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp 2-3 lần.
Theo số liệu từ Fiin Group, hiện có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỉ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục dù dịch COVID-19 chưa được kiểm soát.
"Việc phát hành này sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao", Fiin Group cho biết.
Cụ thể, việc tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng, dẫn đến làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn.
Chưa kể các cổ đông nội bộ còn có xu hướng bán mạnh, khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ giảm khi doanh nghiệp phát hành thêm.
Fiin Group chia sẻ trong 30 doanh nghiệp có sức hấp dẫn bậc nhất sàn chứng khoán (VN30), lợi nhuận sau thuế năm 2021 dự kiến đạt 19%, tăng mạnh từ mức thấp kỉ lục trong năm trước. Trong đó, khối doanh nghiệp phi tài chính tăng 19,4%, khối tài chính (ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) tăng mức 18,6%.
Dù triển vọng lợi nhuận tích cực nhưng thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của nhóm VN30 dự kiến tăng khá thấp so với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động phát hành pha loãng và huy động vốn cổ phần mới.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, việc phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khi phát hành thêm cổ phiếu, doanh nghiệp cần đưa ra mức giá hợp lí, đồng thời cung cấp cho nhà đầu tư đầy đủ thông tin, thể hiện độ minh bạch trong kế hoạch sử dụng vốn, tránh tình trạng chiếm đoạt, ảnh hưởng lợi ích của các cổ đông nhỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận