Hoa Sen: Bắt đầu hưởng thành quả từ chiến lược mới
Sau một thời gian dài tái cấu trúc, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bắt đầu ghi nhận tín hiệu tích cực khi kết quả kinh doanh năm nay khởi sắc, đi cùng quy mô nợ phải trả giảm mạnh.
Trước đó, trong một năm qua, giá cổ phiếu HSG đã tăng bền bỉ từ 5.000 đồng lên hơn 25.000 đồng, trở thành một trong số các cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trên thị trường chứng khoán. Xu thế thuận lợi tiếp tục diễn ra cho Hoa Sen, trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 750 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.
Theo Công ty chứng khoán SSI, giá thép có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2020 do Trung Quốc tiếp tục cắt giảm công suất, nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác. Giá quặng sắt còn tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch Covid -19.
Nhờ đó, lợi nhuận của các công ty trong ngành đã tăng mạnh do biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 17% từ mức 13% của cùng kỳ năm trước. Ở trong nước, thị trường tiêu thụ thép bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, nhưng có sự phục hồi đáng khích lệ trong giai đoạn tiếp theo nhờ nhu cầu ổn định từ kênh xây dựng dân dụng, trong khi Chính phủ cũng đẩy nhanh đầu tư công và giá thép có xu hướng tăng, thúc đẩy các nhà phân phối tích trữ hàng tồn kho.
Trong niên độ tài chính năm nay, thương hiệu thép số 2 Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Hoa Sen cho biết kế hoạch này xây dựng chỉ dựa trên các mặt hàng truyền thống, chưa bao gồm chuỗi siêu thị vật liệu đang được mở rộng. Nếu triển khai đúng tiến độ đến cuối năm nay, Hoa Sen có 130 cửa hàng chuyển đổi và 20 cửa hàng vật liệu xây dựng thì các chỉ tiêu tài chính hợp nhất nhiều khả năng sẽ tốt hơn nữa. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp diễn trên thế giới, các quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tạo sự tăng trưởng, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng tốt các năm tiếp theo”, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhận định.
Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đóng góp doanh thu khoảng 70-80 triệu USD mỗi tháng với sản lượng trên 100.000 tấn. Lãnh đạo Hoa Sen cho biết nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu giúp công ty có ngoại tệ đối ứng để vay USD với lãi suất thấp hơn lãi suất tiền đồng nhằm thanh toán các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu.
Nhờ đẩy mạnh tái cấu trúc các khoản vay cho dự án thép Cà Ná (10 tỷ USD), sức khỏe tài chính của Hoa Sen đã cải thiện hơn rất nhiều. Lãnh đạo công ty cho biết dư nợ từ khoảng 18.000 tỷ đồng của 2019 đã giảm còn khoảng 7.000 tỷ đồng khi kết thúc năm 2020 và dự kiến xóa sạch trong 4-5 năm tới. “Chúng tôi đánh giá đây là thành tích khả quan của quá trình tái cấu trúc tại HSG. Sau khi đánh mất thị phần mảng tôn mạ từ 34% xuống còn 30% năm 2019, hiện tại thị phần của Hoa Sen đã cải thiện trở lại ở mức khoảng 32,5%”, Công ty chứng khoán Yuanta nhận định.
Nhưng một chút cẩn trọng hơn với ngành thép là điều cần thiết khi đây là ngành thường biến động thất thường và dễ tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Hiệp hội thép thế giới nhận định rằng nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 nhờ sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
Dù vậy theo SSI, xuất khẩu thép của Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng trưởng một con số trong năm nay do áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. Sau khi tăng mạnh trong năm ngoái, giá thép có thể vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Nhưng mặt bằng giá có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định hơn. Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận