Hòa Bình khôi phục hoạt động du lịch cộng đồng
Ông Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình chia sẻ, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa khôi phục du lịch cộng đồng.
Các điểm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đang trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Ông có thể cho biết, tỉnh Hòa Bình đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng như thế nào?
Những năm gần đây, các điểm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình phát triển mạnh mẽ. Du lịch cộng đồng đã trở thành “thỏi nam châm” hút du khách đến Hòa Bình, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trong đó, nổi bật nhất là các bản làng ở huyện Mai Châu thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Khu du lịch Mai Châu đã có thương hiệu, thu hút du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước khi Covid-19 bùng phát, năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng đạt trên 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của ngành du lịch Hòa Bình.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển mảng du lịch cộng đồng. Chúng tôi coi đây là thế mạnh của du lịch Hòa Bình.
Trên cơ sở quy hoạch các khu, điểm du lịch cộng đồng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và những người dân trực tiếp làm du lịch tham gia vào nội dung kế hoạch này. Chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng, như xây dựng đường kết nối các bản làng với nhau; phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông; bảo tồn các làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa… Người dân được tham gia các khóa tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ để ứng dụng vào việc đón tiếp, phục vụ du khách.
Đến nay, Hòa Bình đã xây dựng được mạng lưới các bản du lịch cộng đồng ở một số huyện trọng điểm như Mai Châu, Đà Bắc, Khu du lịch Hồ Hòa Bình… Toàn tỉnh có trên 20 làng du lịch có hoạt động du lịch cộng đồng với trên 150 nhà nghỉ cộng đồng.
Theo ông, vấn đề mấu chốt nhất trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay là gì?
Vấn đề quan trọng, mấu chốt nhất trong việc phát triển du lịch cộng đồng là duy trì hoạt động tại những điểm đến, bản làng.
Cụ thể, phải có sự tham gia của người dân, cũng chính là những chủ sở hữu, người cung cấp dịch vụ cho du khách. Người dân ở đây không chỉ là lực lượng trực tiếp đón tiếp, phục vụ du khách, mà là toàn bộ người dân trong khu vực cộng đồng. Họ phải được tham gia vào chuỗi giá trị du lịch và được hưởng những lợi ích thiết thực. Có như vậy, mới đảm bảo du lịch phát triển bền vững.
Cùng với đó, phải có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng hạ tầng, bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới phù hợp với phát triển du lịch, đặc biệt là việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, phát triển những giá trị này thành sản phẩm du lịch... Tại Hòa Bình, chúng tôi đã xây dựng các chương trình văn nghệ đặc sắc, những món ăn truyền thống đặc trưng, sử dụng homestay nguyên bản của đồng bào dân tộc… và được du khách đón nhận nồng nhiệt.
Sau khi đã xây dựng được sản phẩm, thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị điểm đến.
Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch. Để khôi phục hoạt động du lịch cộng đồng, tỉnh Hòa Bình có những phương án, kế hoạch gì, thưa ông?
Trong 2 năm qua, du lịch Hòa Bình nói chung, du lịch cộng đồng tại địa phương nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thời điểm này, mặc dù tỉnh đã cho phép mở lại hoạt động du lịch, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do đặc điểm du lịch cộng đồng thường đón tiếp những đoàn khách lớn.
Để khôi phục du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân viên các doanh nghiệp du lịch, người lao động trực tiếp tại cơ sở, các khu du lịch cộng đồng, bản làng. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng lao động du lịch cộng đồng trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng.
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ tiền điện và hướng dẫn các doanh nghiệp liên hệ với ngân hàng để được giãn nợ; áp dụng các chính sách lãi suất ưu đãi cho mảng du lịch cộng đồng.
Sau thời gian dài ngừng hoạt động, cơ sở vật chất của các tuyến, điểm du lịch cộng đồng cũng bị xuống cấp. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương quan tâm hỗ trợ, động viên chủ các khu, điểm du lịch cộng đồng sửa sang cơ sở vật chất và sẵn sàng tâm lý đón khách.
Đồng thời, tỉnh cũng động viên các đơn vị, người dân cùng tham gia các gói kích cầu du lịch để xây dựng những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của du khách và phát triển mạnh du lịch cộng đồng.
Trong quá trình phục hồi du lịch, công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ “vùng xanh” luôn được tỉnh Hòa Bình đặc biệt chú trọng. Từ cấp tỉnh đến các địa phương cùng đồng loạt vào cuộc thực hiện kiểm soát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở những khu, điểm du lịch, hộ gia đình, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận