Hòa Bình: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ chưa đủ điều kiện pháp lý đã rao bán rầm rộ
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) dù chưa đủ các điều kiện pháp lý, nhưng hiện chủ đầu tư đã tự ý phân lô phân nền, nhiều trang mạng đã “rầm rộ” rao bán.
Được biết, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ được UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 19/02/2019; Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 14/5/2019.
Dự án có quy hoạch với tổng diện tích 12,1ha. Trong đó, đất xây dựng các công trình điều hành kết hợp dịch vụ là 0,7ha, đất xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ là gần 1,7ha, đất xây dựng các công trình lưu trú là hơn 3,8ha, đất hạ tầng kỹ thuật 0,13ha, đất cây xanh hơn 3,4ha và đất giao thông là gần 2,2ha.
Gần đây, trước một số thông tin cho rằng, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa bình hiện có nhiều dự án đang triển khai, nhưng chưa thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định. Ngày 13/9/2019, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình có Công văn số 2659/SXD-TTr về xử lý thông tin một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. Theo đó, Sở này đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động xây dựng đối với các dự án trên địa bàn; Báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) về Sở trước ngày 30/9/2019.
Văn bản số 1092/UBND-TNMT ngày 20/9/2019 gửi Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình báo cáo tình hình kiểm tra triển khai một số dự án trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kỳ Sơn đã có Văn bản số 1092/UBND-TNMT ngày 20/9/2019 báo cáo tình hình kiểm tra, triển khai một số dự án trên địa bàn. Theo đó, sau khi kiểm tra thực tế, đối chiếu với quá trình quản lý đất đai, UBND huyện Kỳ Sơn xác định: Đến thời điểm hiện tại trên khu vực hồ Dụ, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn không có dự án nào tên là dự án Sakana Spa & Resort Hòa Bình được phép triển khai. Khu vực này hiện chỉ có dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ, do Cty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô triển khai đầu tư, với diện tích 121.096,2m2 tại hồ Dụ, xã Mông Hóa.
Đặc biệt, văn bản này nêu rõ, dự án chưa trình duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư hiện đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đầu tư dự án.
Vậy mà, để tạo sức hút với thị trường bất động sản, chủ đầu tư liên tục đưa ra nhiều thông tin giao dịch mua bán trên các website và sàn với hàng loạt lời lẽ hoa mỹ như: "vị trí vàng, dự án nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt, lưng tựa núi, view mây trời. Các tiện ích nội khu chuẩn 5 sao”…
Thậm chí, trên một số website và sàn giao dịch cũng xuất hiện nhiều thông tin khẳng định “chắc nịch” như: Cam kết thuê lại biệt thự để khai thác nghỉ dưỡng với thời hạn tối thiểu 15 năm, thanh toán trước 5 năm tiền thuê; Chia sẻ 35% doanh thu khai thác dịch vụ phòng, cam kết tối thiểu 250 triệu/năm, thanh toán hàng quý; Cam kết mua lại biệt thự nếu khách hàng không còn nhu cầu sở hữu. Giá mua lại bằng 100% số tiền khách hàng đã thanh toán + lãi suất 10%/năm; Tặng 30 đêm nghỉ mỗi năm tương đương 150 triệu đồng; Tặng 01 cây vàng trị giá 42 triệu đồng khi khách hàng ký hợp đồng trước ngày 13/10/2019; Hỗ trợ vay vốn ngân hàng dưới 50% GTHĐ không cần thế chấp… đã khiến cho nhiều khách hàng "xuống tiền" cho dự án. Quan sát thực tế, chủ đầu tư đã “mạnh tay” cho san gạt và làm đường xung quanh tại dự án.
Như vậy, việc dự án chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý mà chủ đầu tư đã cho một số sàn rao bán rầm rộ và nhận tiền đặt cọc, ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng là trái với quy định của pháp luật.
Hiện nay, tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản thường vẽ ra các chiêu bài “hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng góp vốn”… trong khi dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, hoặc hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mục đích của việc này, nhằm huy động vốn trái phép để qua mặt các cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý của dự án để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp khi tiến hành giao dịch.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014: Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 99/2011/NĐ-CP về hợp đồng mẫu bảo vệ người tiêu dùng thì trong lĩnh vực mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được bán khi nào hình thành xong phần móng và phải có quyết định đồng ý của Sở Xây dựng. Trước thời điểm hình thành xong phần móng, chủ đầu tư không được thu bất kì khoản tiền nào ngoài tiền hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi với cả dự án. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận