"Heo ăn chuối" có phải là phát hiện mới của Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức?
(NLĐO) – Thông tin bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) chia sẻ về mô hình “heo ăn chuối” tại sự kiện ra mắt nhãn hiệu thịt heo mới đây khiến cộng đồng mạng tranh cãi bởi việc heo ăn các phụ phẩm từ chuối đã được áp dụng từ lâu.
Cụ thể, vào tối 17-9 tại TP HCM, trước hơn 400 khách mời là các đối tác, bạn bè, báo chí, cổ đông…, bầu Đức trải lòng về hành trình của HAGL từ "đỉnh cao" rơi xuống đáy và quay trở lại ngày nay.
Ông kể từ thời điểm sau khi chuyển giao công ty nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải - Thaco), HAGL đã tái cấu trúc một lần nữa, với định hướng là phải chọn sản phẩm ngắn ngày, không thể đầu tư quá 3 năm vì không chịu nổi.
Do đó, bầu Đức và các cộng sự đã chọn cây chuối để 9 tháng thu hoạch và con heo cũng từ 6-8 tháng xuất chuồng. Chủ tịch của HAGL cho biết trồng chuối xuất khẩu, phụ phẩm chuối loại ra nhiều, mỗi năm có thể lên đến 200.000 tấn, còn nuôi heo thì thức ăn chiếm khoảng 75% giá thành, nếu kết hợp heo ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của tập đoàn.
Bầu Đức chia sẻ về mô hình "heo ăn chuối" tối 17-9
"Tôi đã mời kỹ sư Trần Văn Dai (hiện là thành viên HĐQT độc lập của HAGL) tham gia giải bài toán "heo ăn chuối" và đã thành công khi đưa bột chuối vào 40% công thức ăn. Điều này giúp HAGL có lãi nhẹ vào năm 2021 và dự kiến lãi hơn 1.300-1.400 tỉ đồng trong năm nay" – bầu Đức nói.
Những chia sẻ của bầu Đức khiến cộng đồng mạng tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc "heo ăn chuối" không có gì lạ bởi heo ăn thân chuối là cách ông bà ta nuôi heo lâu nay. Nhiều người còn kỳ công tính toán về việc nếu 40% thức ăn cho heo là chuối thì bầu Đức phải cần bao nhiêu chuối khô (quy từ chuối tươi) từ số liệu đàn heo và chuối loại được công bố và thấy rằng số liệu "không khớp" để tăng thêm độ tin cậy của lập luận.
Thậm chí, có những người trong ngành chăn nuôi cũng không tin "heo ăn chuối" giúp tiết kiệm chi phí vì thực tế khi ngành công nghiệp chuối của Việt Nam phát triển ngay tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, nhiều người đã thử nghiệm cho heo ăn chuối nhưng chưa ai thành công.
Ngay tại những nước có ngành công nghiệp trồng chuối xuất khẩu trước Việt Nam rất lâu như: Philippines, Brazil,… cũng chưa từng có mô hình tương tự.
Bầu Đức giới thiệu kho chuối loại dành cho heo
Trong khi đó, bầu Đức tuyên bố HAGL nuôi "heo ăn chuối", "gà đi bộ" nhờ quỹ đất lớn và hệ sinh thái ngành chuối nên có lợi thế cạnh tranh, còn nếu chăn nuôi công nghiệp như các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài thì mình đi sau sẽ không thể đấu lại.
"Tôi có thể khẳng định HAGL đã sang trang mới và tỉ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp. Như chuối giá thành của chúng tôi là 6.500 đồng/kg nhưng có lúc bán ra 14.000 đồng/kg; giá heo hơi 43.000 đồng/kg, bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg" – Chủ tịch Tập đoàn HAGL nói.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, bầu Đức cũng tâm sự ông đã mất ngủ khi có được công thức thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn, giá thành thấp. Mất ngủ là do ông vui mừng vì linh cảm "Thời đang tới!". Sau nhiều năm vật lộn với trồng cây gì, nuôi con gì và chìm trong nợ nần, ông đã tìm ra con đường sáng trong kinh doanh.
Những tuyên bố "chắc nịch" của bầu Đức về trồng chuối, nuôi heo siêu lợi nhuận đã khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ HAGL nuôi bò. Tại đại hội cổ đông năm 2015, bầu Đức cũng tuyên bố nuôi bò siêu lợi nhuận và chỉ riêng tiền phân bò HAGL có thể thu về 1 tỉ đồng/ngày. Đối với bò, việc chăn nuôi với quỹ đất rộng và ăn phụ phẩm chăn nuôi giá rẻ còn dễ thuyết phục hơn chuyện "heo ăn chuối" bây giờ. Thế nhưng, dự án nuôi bò của HAGL cũng thất bại.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, có cổ đông đã nhắc lại chuyện này và được bầu Đức "nói lại cho rõ" rằng nuôi bò có lãi nhưng HAGL mất thanh khoản vì cao su, bán được con bò nào bị ngân hàng thu hết nên không có tiền tái đàn.
Heo ăn chuối của HAGL là heo ăn trái chuối
Dù còn nhiều hoài nghi về mô hình "heo ăn chuối" siêu lợi nhuận nhưng cũng có không ít nhà đầu tư tin tưởng và kỳ vọng vào mô hình mới của bầu Đức. Điều này thể hiện qua giá cổ phiếu HAG liên tục tăng thời gian gần đây, tính đến sáng 21-9, cổ phiếu HAG đang giao dịch tại mốc 13.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 2 lần so với thời điểm tháng 6-2022. Bầu Đức là người nắm đến 34,5% cổ phần của HAGL nên tài sản cũng sẽ tăng theo giá cổ phiếu.
Dù sao, với một mô hình nông nghiệp mới, bầu Đức thành công để trở lại thời hoàng kim hay tiếp tục thất bại phải chờ thời gian trả lời!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận