Hệ sinh thái số của One Mount Group
VinID ban đầu là thẻ thành viên, sau đó phát triển thành "siêu ứng dụng" với việc thêm giải pháp tài chính.
One Mount Group phát triển một hệ sinh thái số, bắt đầu từ bán lẻ, phân phối, bất động sản cho đến dịch vụ tài chính. Tập đoàn đang có 3 sản phẩm chính: VinID (thuộc công ty One Mount Consumer), Vinshop (thuộc công ty One Mount Distribution) và OneHousing (thuộc công ty One Mount Real Estate).
Trong bản công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, Vingroup (HoSE: VIC) là cổ đông sáng lập với tỷ lệ cổ phần 51,22%. Sau đó, ông Hồ Anh Ngọc, em trai Chủ tịch Techcombank (HoSE: TCB) Hồ Hùng Anh, làm Chủ tịch One Mount Group. Ông Ngọc hiện đồng thời là Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của One Mount Real Estate và One Mount Consumer. Cựu Phó Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Thị Dịu là CEO của One Mount Group, đồng thời là Chủ tịch One Mount Distribution và One Mount Consumer.
Tháng 3 năm nay, Vingroup công bố cơ cấu lại tỷ lệ góp vốn và thoái toàn bộ vốn One Mount Group vào tháng 6/2022.
Bắt đầu từ VinID
So với thời điểm xuất hiện của One Mount Group (năm 2019), VinID được ra mắt sớm hơn tập đoàn này 3 năm. Đây là thẻ thành viên tích hợp các ưu đãi các sản phẩm của Vingroup thông qua cơ chế tích điểm.
Tại báo cáo thường niên của Vingroup năm 2016, ban lãnh đạo cho rằng thẻ thành viên là công cụ kết nối toàn bộ hệ sinh thái của Vingroup trên toàn quốc, cách thức để nhà bán lẻ tiếp cận và hiểu khách hàng, nền tảng kích thích tăng trưởng doanh thu và giải pháp tiếp thị quảng cáo. Xu hướng sử dụng thẻ thành viên hay chương trình khách hàng thân thiết đều có thể thấy ở các nhà bán lẻ như Aeon, GO! hay Circle K.
Nguồn: VinID |
Tuy nhiên, thẻ thành viên kết hợp ví điện tử thì hiện tại chỉ có VinID. Nghiên cứu của Allied Market Research cho rằng thị trường thanh toán điện tử được dự báo với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 30,2%/năm trong giai đoạn 2020-2027. Đồng thời, thống kê của NHNN cho thấy thị trường Việt Nam đã có 43 ví điện tử đầu năm 2022, gấp 7 lần so với năm 2015.
Nhận thấy cơ hội thị trường, VinID Pay đã được ra đời trong năm 2019. Cho đến nay, đơn vị đã có thể mang lại cho khách hàng các giải pháp thanh toán không tiền mặt và các giải pháp Fintech. Đây là lý do mà Vingroup coi VinID là “siêu ứng dụng”.
Khác với những ứng dụng ví điện tử có trên thị trường hiện nay như Momo hay Zalo Pay với dịch vụ đa dạng hơn từ nhiều đối tác, VinID Pay ban đầu tập trung dịch vụ thanh toán tại những điểm ở siêu thị Winmart và Winmart+. Sau này, VinID Pay đã mở rộng thêm hơn 50.000 điểm thanh toán sau khi hợp tác với VNPAY-QR, giúp khách hàng có thể thanh toán từ các cửa hàng tiện lợi, thời trang, giải trí,... trên toàn quốc.
Với quy mô hoạt động nhỏ hơn, doanh thu của VinID Pay nhỏ hơn so với các ví điện tử khác. Theo dữ liệu Nguời Đồng Hành có được, doanh thu năm 2021 của VinID Pay đạt 16 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với con số trăm, nghìn tỷ của các ví điện tử khác như Momo, Moca hay ShopeePay. Ngoài ra, VinID Pay cũng đang chịu cảnh lỗ giống như các ví điện tử khác.
Đơn vị: tỷ đồng |
OneHousing và Vinshop
Từ tháng 1/2021, Vinhomes triển khai thêm mô hình trực tuyến tới trực tiếp (O2O) từ 1/2021. Bà Nguyễn Diệu Linh, cựu Chủ tịch Vinhomes, từng nói rằng bước ngoặt chuyển đổi số sẽ tăng tính gắn kết giữa chủ đầu tư với chủ sở hữu các sản phẩm của Vinhomes. Người mua có thể mua qua sàn giao dịch bất động sản điện từ Vinhomes Online. OneHousing có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng từ kết nối môi giới, quản lý tài sản, định giá nhà cho đến giải pháp tài chính.
Nguồn: OneHousing |
Nguồn: OneHousing |
OneHousing ra đời trong bối cảnh thị trường Proptech đang nở rộ ở Việt Nam. Theo CRETI, giá trị đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam đạt 32 tỷ USD trong năm 2021, mức cao nhất từ trước đến nay. Các đơn vị trong ngành này có thể kể đến như Batdongsan.com (platform thông tin), Rever (platform thông tin và môi giới bất động sản), Citics (nền tảng dữ liệu bất động sản bao gồm định giá, thông tin bất động sản) hay như start-up mới dừng hoạt động gần đây là Propzy (cổng thông tin tích hợp dịch vụ môi giới, tư vấn,...). Có thể nói, OneHousing đang tích hợp nhiều tính năng của các nền tảng trong cùng một nền tảng.
Nền tảng Vinshop chính thức ra mắt từ tháng 10/2020 hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hóa tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả minh bạch cùng các chương trình ưu đãi; và đồng thời giúp các nhà tạp hóa quản lý gian hàng. Thông qua ứng dụng, các chủ cửa hàng tạp hóa có thể đặt hàng trăm mặt hàng chỉ trong một lần và nhận hàng ngay ngày hôm sau. Giải pháp này được kỳ vọng nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng. Theo Vingroup, ứng dụng kết hợp với VinID Pay tạo nên mô hình bán lẻ B2B2C đầu tiên trên thị trường Việt Nam.
Nếu như xu hướng hiện tại là bán lẻ hiện đại, nhất là sau đại dịch Covid-19 làm xu hướng này chuyển dịch nhanh hơn, Vinshop lại chọn đi ngược xu hướng để “tấn công” vào thị trường bán lẻ truyền thống bị bỏ quên. Theo số liệu của Euromonitor, số lượng nhà bán lẻ truyền thống ở Việt Nam vẫn đang chiếm đa số với hơn 670.000 điểm bán, gấp hơn 100 lần so với các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại trong năm 2020.
Với đặc thù là nhà cung ứng hàng hóa số lượng lớn, Vinshop cho biết họ có hệ thống gồm 25.000 m2 kho trung tâm và 10.000 m2 kho vệ tinh trên 20 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Hệ thống vận tải mỗi ngày vận chuyển trên 1.000 tấn hàng với tỷ lệ lấp đầy thùng xe 98%. Để làm vậy, hệ thống logistic được quản lý hoàn toàn tự động nhờ các công nghệ như hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý vận tải (TMS), kho bãi (WMS), giúp lập kế hoạch và theo dõi thực thi theo thời gian thực (realtime-tracking).
Nguồn: Vinshop |
Số lượng đối tác của Vinshop gia tăng nhanh chóng. Nếu như tại thời điểm ra mắt, số lượng cửa hàng tham gia vào Vinshop là 20.000 thì con số này đã gấp 2,75 lần ở cuối năm 2020.
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 ngăn cản sự phát triển của Vinshop. Số liệu của Euromonitor cho thấy số cửa hàng bán lẻ truyền thống trước thời điểm đại dịch Covid-19 tăng trưởng nhưng đã giảm 5% sau sự kiện này. Số đối tác của Vinshop đã tăng trưởng chậm lại với 59.000 đối tác ở thời điểm cuối năm 2021.
Liên tục tăng vốn mở rộng quy mô hoạt động
Ngoài giúp Vingroup hưởng lợi trực tiếp, hệ sinh thái của One Mount Group còn giúp cho Techcombank mở rộng hoạt động kinh doanh. Techcombank cho rằng VinID và hệ sinh thái One Mount Group đã giúp họ mở rộng lượng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và trở thành một trong những nhà băng có lượng CASA lớn nhất trong ngành. Hơn nữa, Techcombank cũng là đối tác của Vinshop (cung cấp các giải pháp ứng tiền hàng) và OneHousing (cung cấp các giải pháp vay vốn cho khách hàng).
Quy mô hoạt động của One Mount Group liên tục gia tăng trong các năm qua. Theo dữ liệu Người Đồng Hành, tổng tài sản cuối năm 2021 là 5.574 tỷ đồng, tăng 74,5% so với thời điểm cuối năm 2019, chủ yếu là do tăng vốn cổ phần. Số vốn này tiếp tục được đầu tư cho các công ty con, chủ yếu là 2 công ty mới là One Mount Distribution và One Mount Consumer. Đến giữa năm 2022, vốn điều lệ 2 công ty đạt lần lượt 1.800 tỷ đồng và 620 tỷ đồng, gấp 3 lần và gần 19 lần con số kể từ khi mới thành lập. Công ty nợ hơn 217 tỷ vào thời điểm cuối năm 2021, giảm gần 10% so với năm 2020.
Về kết quả kinh doanh, One Mount Group có doanh thu hơn 641 tỷ đồng trong năm 2021. Công ty đang có khoản lỗ lũy kế gần 55 tỷ đồng, chủ yếu là do khoản lỗ hơn 42 tỷ đồng trong năm 2020 và 12,5 tỷ đồng trong năm 2019. Năm 2021, đơn vị này không có lợi nhuận.
Đơn vị: tỷ đồng |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận