Hào hứng và hụt hẫng vì hàng mới
Nhiều cổ phiếu mới lên sàn, chuyển sàn có diễn biến tích cực trong thời gian đầu, khiến nhà đầu tư hào hứng, nhưng sau đó hụt hẫng, thất vọng vì giá quay đầu giảm sâu và mất thanh khoản.
Nhộn nhịp “tân binh”
“Xông đất” sàn chứng khoán đầu năm 2024 là cổ phiếu NEM của Công ty cổ phần Thiết bị điện Miền Bắc, bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ ngày 5/1. Sau 6 ngày đứng yên ở giá tham chiếu 10.200 đồng/cổ phiếu vì không có người bán, từ ngày 15/1, mã NEM bắt đầu tăng hết biên độ, đến cuối tháng 1 đạt 75.000 đồng/cổ phiếu. Sang đầu tháng 2, mã này giảm sàn, xuống dưới 64.000 đồng/cổ phiếu và phiên sau đó (cuối tuần qua) không có ai mua.
Tương tự, mã D17 của Công ty cổ phần Đồng Tân chào sàn UPCoM ngày 8/1, với giá tham chiếu 22.000 đồng/cổ phiếu. Trải qua 7 phiên giao dịch không có người bán, cổ phiếu D17 bắt đầu được bán nhỏ giọt, đẩy giá liên tiếp tăng trần, đến cuối tháng 1 đạt 107.800 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó trắng bên mua.
Cùng ngày 8/1, cổ phiếu KTW của Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10.900 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay vẫn không có thanh khoản, vì cổ đông không bán ra, còn nhà đầu tư không mặn mà.
Cổ phiếu TAL của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) có thanh khoản sau khi chào sàn UPCoM ngày 9/1, nhưng giá có xu hướng giảm nhẹ cho đến nay.
Trong khi đó, “xông đất” sàn HOSE là cổ phiếu HNA của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, được chuyển từ UPCoM sang kể từ ngày 12/1, với giá tham chiếu 18.350 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 18/1, giá cổ phiếu HNA đạt gần 24.000 đồng/cổ phiếu, sau đó có 1 phiên giảm sàn, rồi đi ngang quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 18/1, cổ phiếu QNP của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tăng hết biên độ trong phiên giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE và giá tăng gấp đôi sau 10 phiên, đạt gần 45.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng trần chấm dứt trong phiên cuối tuần qua, khi giá quay đầu giảm.
Cổ phiếu TCI của Công ty Chứng khoán Thành Công đến nay có 6 phiên giao dịch trên HOSE, trong đó 3 phiên đầu giảm giá, 3 phiên sau tăng giá.
Thời gian tới, cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á và cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel dự kiến sẽ chào sàn HOSE, vì đã được Sở chấp thuận niêm yết.
Cần lưu ý câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp
Nhiều mã tăng giá sau khi chào sàn, nhưng rất ít nhà đầu tư mua được vì khối lượng bán ra nhỏ giọt, đến khi thanh khoản tăng thì giá đã cao và rủi ro đảo chiều xuất hiện.
Các cổ phiếu mới lên sàn được không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện”, nếu không vì yếu tố nền tảng thì cũng mang đến cơ hội “lướt sóng” ngắn hạn, vì những “tân binh” luôn được cho là có “game” đi kèm.
Ông Tuấn Thành, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, việc đưa cổ phiếu lên niêm yết có thể đánh dấu chu kỳ phát triển mới của doanh nghiệp. Trong đó, cổ phiếu chuyển từ sàn UPCoM và HNX sang HOSE thường đi kèm với mức định giá cao hơn trước, do thanh khoản có khả năng được cải thiện và pháp luật yêu cầu cao hơn về công bố thông tin. Đây là dịp để nhà đầu tư lọc tìm cơ hội giải ngân mới, nhất là khi cổ phiếu có dấu hiệu “tạo game” (kích giá). Tuy nhiên, dù “lướt sóng” ngắn hạn hay đầu tư trung và dài hạn thì yếu tố quan trọng vẫn là phải xem xét tình hình tài chính và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp để định giá cổ phiếu hợp lý, hạn chế mua đuổi khi giá tăng.
Xét kết quả kinh doanh gần nhất của các “tân binh”, trong bối cảnh khó khăn chung, đa số có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ.
Cụ thể, Thiết bị điện Miền Bắc đạt doanh thu 15 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, gấp 25 lần cùng kỳ năm 2022, nhưng lỗ sau thuế 344 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 2,4 tỷ đồng).
Đồng Tân ghi nhận doanh thu bán niên 2023 là 36 tỷ đồng, giảm 32%; lãi sau thuế 11 tỷ đồng, giảm 28% so với nửa đầu năm 2022.
Cảng Quy Nhơn đạt gần 939 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, giảm 12%; lãi ròng hơn 112 tỷ đồng, tăng 154% so với năm 2022. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh chủ yếu là do Công ty không còn phải trích lập dự phòng phải trả ngắn hạn như trong năm 2022. Khoản trích lập này liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long, với số tiền gần 54 tỷ đồng.
Taseco Land đạt 688 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 32,3%; lợi nhuận sau thuế 26,6 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cùng kỳ năm 2022, do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Kết quả này cách xa mục tiêu cả năm 2023 là doanh thu hợp nhất 3.418 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 641 tỷ đồng.
Thuỷ điện Hủa Na ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt là 749 tỷ đồng và 249 tỷ đồng, tương ứng giảm 36% và 59% so với năm 2022.
Với Cấp nước Kon Tum, nhà đầu tư gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin về Công ty, dù thực hiện IPO từ năm 2018.
Đối với Nam Á, ngân hàng cuối cùng sẽ lên niêm yết, lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 là 522 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, chất lượng tín dụng nửa đầu năm 2023 của Ngân hàng đi xuống rõ rệt, khi số dư nợ xấu thời điểm cuối quý II là 3.751 tỷ đồng, tăng 92,8% so với đầu năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, gu đầu tư kiểu “nhảy sóng” cổ phiếu lên sàn, chuyển sàn khá phổ biến, vì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh sau khi lên sàn hoặc “về nhà mới”. Chiến lược này là có cơ sở, nhưng khá rủi ro, vì giá cổ phiếu sau đó thường đảo chiều bất ngờ.
Vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta khuyến nghị, nhà đầu tư cần lưu ý câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, đặc biệt chú ý đến mục đích chuyển sàn.
Ví dụ, doanh nghiệp ở UPCoM chuyển sang HOSE với mục đích huy động vốn cho nhà đầu tư chiến lược thì giá cổ phiếu có thể tăng kéo dài cho đến khi chốt được giá chào bán. Sau đó, giá cổ phiếu sẽ tăng hoặc giảm tuỳ thuộc việc doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn vốn huy động thêm hay không. Còn những doanh nghiệp chuyển sàn nhưng không có kế hoạch phát triển cụ thể thì sau khi tăng “nóng”, giá cổ phiếu dễ đảo chiều, nhà đầu tư không kịp thoát hàng sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Theo Thông tư số 69/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 30/12/2023), sau ngày 1/7/2025, HNX sẽ không nhận hồ sơ đăng ký niêm yết mới, mọi hoạt động niêm yết được chuyển về HOSE. Chậm nhất tới ngày 31/12/2025, HNX sẽ chuyển hết cổ phiếu niêm yết sang HOSE và chậm nhất tới 31/12/2026, toàn bộ cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM được chuyển sang HOSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận