24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hai cú sốc và bài học đắt giá về đời của "ông vua mía đường" Đặng Văn Thành

Cuộc đời đầy thăng trầm, hỉ nộ ái ố của Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) Đặng Văn Thành gắn liền với bao biến động của thời cuộc, của kinh tế Việt Nam.

Sau một thời gian im lặng, Đặng Văn Thành lại tái xuất thương trường với một sức mạnh mới để trở thành "ông vua" trong ngành mía đường, mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế…

Con đường trở thành người dẫn đầu trong kinh doanh tiền tệ của một tỷ phú đi lên từ tay trắng, rồi lại mất một phần không nhỏ sự nghiệp mà mình đã tạo dựng với bao mồ hôi nước mắt.

Nụ cười rộng mở, phong thái tự tin, khoáng hoạt, lúc nào trong ông cũng toát ra sức hút mạnh mẽ bởi một bản lĩnh cương cường và tầm nhìn nhạy bén.

Hai cú sốc để đời

Là người đam mê lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thành chia sẻ: “Nhậm chức chủ tịch ngân hàng năm 37 tuổi, niềm khát vọng trong tôi rất lớn, bỏ cả công việc nhà đi làm. Làm ngân hàng rất khó. Đây là ngành hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế, là trung gian cho tiền tệ, lưu thông tiền tệ. Quan điểm của tôi bao nhiêu nhân khẩu bấy nhiêu tài khoản. Nhưng rất tiếc tôi phải rời bỏ giữa chừng, tôi cảm thấy mình có lỗi với cổ đông, những người sáng lập và khách hàng. Lúc ấy tôi phải kìm lắm để không rơi lệ”.

Làm sao mà không rơi lệ cho được. Nhìn lại quãng đường khởi nghiệp của ông, mới thấy ông đã dồn bao nhiêu công sức cho Sacombank. Nói về quãng đường khởi nghiệp, ông cho rằng mình là một “đột biến gen”, nhưng là một đột biến mạnh mẽ, có khả năng lan truyền tới đời con, đời cháu.

Sinh ra trong một gia đình người Hoa trôi dạt về phương Nam, bố là một đông y sĩ chuyên chữa trật tay, viêm khớp… chẳng có gì liên quan đến kinh doanh. Cơ hội đến khi đất nước bước vào kinh tế thị trường, bạn bè rủ rê ông thành lập Thành thành công. Năm 1985, lang thang khắp miền Tây thu mua rỉ đường về Sài Gòn sản xuất thành cồn, chàng trai 24 tuổi như cá gặp nước, cơ hội cho tố chất kinh doanh bộc phát.

Từ sản xuất cồn bước qua kinh doanh nhà hàng, rồi thành lập hợp tác xã tín dụng, tiệm cầm đồ… tạo thành một chuỗi cửa hàng liên kế nhau trên đường Âu Cơ, nền tảng giúp ông có cái nhìn đa diện từ sản xuất đến kinh doanh, điều hành dòng vốn chảy liên tục dưới nhiều hình thức.

Cuối 1989, các HTX tính dụng ra đời hàng loạt với lãi suất “không tưởng”, từ 12 - 14%/tháng. Chỉ chưa đầy hai năm hàng loạt HTX tín dụng sụp đổ, HTX tín dụng Thành Công cũng không thoát khỏi tình trạng đó.

Ông Thành kể: “Khi đó tôi chỉ còn biết đứng nhìn các khách hàng đến rút tiền. Không có tiền họ ùa vào đập phá tranh giành tài sản. Suốt 6 tháng trời nhân viên chỉ được trả lương cầm chừng. Lúc ấy nếu không có một “hậu phương vững vàng”, chắc tôi không thể trụ nổi. Hàng ngày tôi lo đối phó ngoài ngân hàng, mọi công việc nhà hàng, sản xuất, thương mại đều giao hết cho vợ. Đến chiều được bao nhiêu tiền cô ấy vét hết tập trung ứng cứu kịp thời”.

Hai cú sốc và bài học đắt giá về đời của "ông vua mía đường" Đặng Văn Thành
"Hậu phương vững vàng" mà ông Đặng Văn Thành chia sẻ đó là vợ ông - bà Huỳnh Bích Ngọc.

Để tồn tại và tự cứu mình, HTX Thành Công đã hợp nhất với ba HTX khác lập ra ngân hàng Sài Gòn Thương Tín với số vốn điều lệ 8 tỷ đồng, tiền đề cho Sacombank sau này.

Lập thân từ nghèo khó, nhiều năm lăn lộn thương trường đã giúp ông điều hành Sacombank khá vững vàng, trở thành ngân hàng cổ phần đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán. Nổi tiếng là người thay đổi liên tục tám đời CEO, mạnh dạn thuê cả CEO nước ngoài.

Ông Thành từng chia sẻ: “Nghề này đúng là đầy áp lực, cường độ làm việc rất cao, mỗi ngày xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện buộc mình phải giải quyết cùng một lúc nếu không tự thấy mình, không biết kềm chế, hy sinh, để theo đuổi đến cùng mục tiêu thì không thể tồn tại. Đã có rất nhiều bài học đau xót về chuyện “hùn mà không hạp”, những bất đồng quyền lợi nảy sinh do không xây dựng được một quy chế rõ ràng, minh bạch… Nói doanh nhân thành công mà chưa bao giờ thất bại thì tôi không tin”.

Tuy nhiên, thế sự xoay vần, năm 2011, ông Đặng Văn Thành đã không thể chống lại được nhóm thâu tóm từ bên ngoài. Các cổ đông lớn lần lượt rút lui, bắt đầu Dragon, Capital, sau đó là REE và ANZ.

Những cơn sóng ngầm lẫn sóng nổi khi các bên đua nhau mua vào cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát ngân hàng. Tháng 5/2012, Trầm Bê nhảy vào quản lý Sacombank, ông Thành xin từ chức và rút khỏi Sacombank.

Là người sáng lập, chủ tịch Sacombank, với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Khi ông Đặng Văn Thành phải chuyển giao quyền điều hành cho người khác, Sacombank đã có 417 chi nhánh ở Việt Nam, Lào, Campuchia và 9 công ty con, với vốn điều lệ trên 10 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm 4 ngàn tỷ đồng.

Cái "lời" của doanh nhân

Trong giai đoạn khó khăn gần như “thân bại danh liệt” này, làm thế nào để ông có thể đứng dậy lần thứ hai?

“Biến cố lớn nhất ập đến với tôi là thời điểm 2012, lúc ấy bi đát lắm, cú sốc khiến tôi mất phương hướng, chỉ còn chỗ dựa lớn nhất là gia đình, bạn bè chí thân. Nếu không khó có thể vượt qua được. Từ trước giờ tôi không bao giờ lên máu, giờ phải uống thuốc lên máu thường xuyên.

Trong các cái lời đời doanh nhân có cái lời là uống thuốc! Phải coi đó là bình thường, tuy nhiên không hề đơn giản. Nếu chúng ta tích lũy được giá trị, hiền tài, sẽ giữ được bình tĩnh, còn thời cuộc thăng trầm lắm, có bao giờ bằng phẳng đâu. Tôi có khuyên một doanh nhân có tuổi nên uống thuốc tăng máu đi để giữ sức khỏe trước tiên, sau đó họp dày lên để lắng nghe nhiều hơn. Khi khó khăn thực sự nếu có gì bán được thì hãy bán đi, hãy mời hết các chủ nợ đến để nhờ họ hỗ trợ.

Mất đứa con tôi ao ước là Sacombank, nhưng khi tôi không còn trong ngôi nhà đó nữa, qua thời gian nhìn lại, mới thấy tôi đã tạo được những chuẩn mực, cán bộ công nhân viên rất tự hào. Uy tín tôi từ đó được giới tài chính và giới doanh nhân đánh giá rất cao, thấy việc làm của mình trước đây tạo nên giá trị có thật. Bây giờ đi đến đâu tôi cũng nhận được những cảm tình của mọi người. Đó là an ủi lớn nhất đối với tôi”, ông Thành chia sẻ.

Hai cú sốc và bài học đắt giá về đời của "ông vua mía đường" Đặng Văn Thành
Nụ cười rộng mở, phong thái tự tin, khoáng hoạt, lúc nào trong ông cũng toát ra sức hút mạnh mẽ bởi một bản lĩnh cương cường và tầm nhìn nhạy bén.

Vượt qua cơn bĩ cực, động lực lớn nhất giúp ông tiếp tục đi tới thành công với một tinh thần đầy máu lửa chính là: “Khi tôi rời nhà băng, tổng tài sản của Sacombank là gần 700 triệu USD. Tôi có nói với vợ tôi đời doanh nhân đến giờ không phải làm để kiếm tiền nữa, phải sắp xếp thế nào để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Là doanh nhân phải có tố chất đặc biệt, cần trực giác mạnh lắm. Trước một đầm lầy mình phải nhìn thấy tương lai nó sẽ trở thành cái gì. Nhưng còn thiên thời nữa, phải kiên nhẫn và nắm bắt cơ hội...

Khi tôi quay lại ngành mía đường, năng suất bình quân không hơn 60 tấn/ha. Tôi phải sang Mỹ, tìm đến nơi chuyên về sản xuất mía đường để đưa ra quay trình canh tác chuẩn, từ ba tấc tôi cho cày sâu 6 tấc, rồi tìm hiểu độ chịu hạn cục bộ, độ bén rễ của cây mía, để sản xuất bằng giá thành cây mía với Thái Lan! Tận dụng mọi phụ phẩm của cây mía làm điện, làm phân làm sao hiệu quả cao nhất. Tôi phải đi một vòng trái đất để tìm cách giúp cho nông dân làm giàu bằng cây mía”.

Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi

Đề cập đến điều quan trọng nhất trong điều hành doanh nghiệp là phải ý thức được vai trò, sứ mạng của một doanh nhân, ông Thành nói: "Kinh doanh là sứ mệnh, không phải là quyền lợi. Đầu năm 2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao sự đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân. Khác với cổ phần, vai trò đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đồng nghĩa với việc tạo ra 5 giá trị:

Thứ nhất là tạo giá trị gia tăng cho xã hội qua cân bằng cán cân thương mại, như nhập siêu, xuất siêu. Nhập thiết bị máy móc cho sản xuất, để sản xuất ra những sản phẩm cho xã hội góp phần giảm thiểu cán cân thương mại bị lệch. Tổng thống Trump ngay khi nhậm chức đã tiến hành cấu trúc ngay lại cán cân thương mại. Chúng ta cũng phải làm ngay điều này. Trực tiếp xuất khẩu hay xuất khẩu tại chỗ, tạo sự cân bằng cho cán cân thương mại.

Thứ hai là tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, để tạo năng lực cạnh tranh. Kinh tế thị trường tạo cơ hội cho tất cả và không nhường nhịn một ai đâu, chết cũng nhiều, chết lâm sàng cũng có, đó là quy luật. Đã là doanh nghiệp, phải đối diện điều đó mới “đã”.

Thứ ba là tạo giá trị gia tăng cho nhân viên. Trước đây chúng ta hay nghe cụm từ ‘chảy máu chất xám’. Muốn nhân viên thành tài phải tạo được nơi để họ dụng võ, không chỉ thu nhập đâu, phải có sân chơi để họ thỏa mãn sáng tạo của mình, đó là nhu cầu chính đáng của người lao động. Nhu cầu được làm việc ổn định, có thu nhập tốt, có môi trường thăng tiến tốt… là cốt lõi để ngăn chảy máu chất xám.

Thứ tư, phải tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư. Mở doanh nghiệp phải có vốn, phải tiếp cận với thị trường tài chính. Muốn thế cần chi phí vốn bằng cổ tức, bằng trái tức( chứng khoán vốn, lãi suất nhà bank… nhưng không dừng ở đó. Nhà đầu tư còn kỳ vọng thị giá. Ai mua cổ tức TTC mấy chục ngàn giờ mấy trăm ngàn, trên mây luôn.

Thứ năm, phải nộp ngân sách Nhà nước, đóng góp cho cộng đồng xã hội.

5 giá trị cốt lõi này, hỡi những doanh nhân, chúng ta phải tự hào, nhưng cũng phải đối diện với nó. Nếu không chịu đối diện với nó, thì không thể nào làm tốt đâu. Nếu không đối diện với 5 chức năng này thì thôi đừng làm doanh nhân. Là bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư… chỉ cần phấn đấu trở thành một người thật giỏi về chuyên môn, nhưng là chủ doanh nghiệp, bạn không chỉ phấn đấu trở thành người giỏi, mà còn phải sử dụng cả một bộ máy để hoàn thành 5 sứ mệnh này, vai trò rất nặng nề nhưng thú vị.

Nhân viên của mình nếu trong công việc có buồn bực điều gì bỏ lá đơn xin nghỉ, đơn giản lắm. Doanh nhân thì không có nghỉ được ngày nào đâu, nếu có nghỉ thì … vô trong kia nghỉ! Các bạn hãy lắng đọng một thời gian đi để suy nghĩ về điều tôi vừa nói. Cùng ngồi một con thuyền, cùng ăn một mâm cơm, làm việc trong 1 tổ chức, chén trong sóng còn khua, gia đình nhỏ còn bất đồng, tổ chức bất đồng là chuyện bình thường. Nên tìm cách xử lý và thông cảm với doanh nhân, họ vất vả lắm.

Nền kinh tế không cạnh tranh thì đừng nói gì đến phát triển, một tổ chức không thi đua đừng tiến bộ, một doanh nhân đạt đến sự thượng thừa khi thật thà. Doanh nghiệp phải quản trị trên một mô hình, tùy theo quy mô và điều kiện, chúng ta chọn ra mô hình nào phù hợp. Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi.

Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân…”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.80 -0.05 (-0.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả