menu
Góc khuất đầu tư tài chính
Thái Thủy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc khuất đầu tư tài chính

Liên quan đến ổ nhóm lừa đảo của Mr. Pips Phó Đức Nam (còn được gọi là TikToker Mr Pips) và Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ cho thấy lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tài chính vẫn luôn diễn ra.

Đủ chiêu trò lừa đảo đầu tư tài chính

Như trường hợp của B.N.L (22 tuổi, trú tại Quảng Ninh) là sinh viên một trường đại học. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook và TikTok, nam sinh L biết tới Phó Đức Nam là chuyên gia về đầu tư chứng khoán, thường xuyên đăng những video, hình ảnh xa hoa về siêu xe, đồng hồ, nhà ở đắt tiền.

Góc khuất đầu tư tài chính
Mức lợi nhuận vượt trội, lãi cao là những yếu tố được những kẻ lừa đảo liên tục đưa ra để lôi kéo người dân. Ảnh minh hoạ

Từ đây, L nảy sinh mong muốn bản thân mình cũng được như Phó Đức Nam. Khoảng đầu tháng 6/2024, L nhắn tin cho Facebook Phó Đức Nam để kết bạn, làm quen nhằm mục đích tìm hiểu về các sàn giao dịch do Nam đang đầu tư.

Phó Đức Nam giới thiệu L đầu tư cổ phiếu thông qua sàn tên là JPexchange.com và hướng dẫn mua các mã cổ phiếu như NVIDA, NOVELIS, XAUUSD, XAGUSD, WTI... Nam sinh này đã thực hiện tổng cộng 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam, sau đó bị “cháy” tài khoản với số tiền bị chiếm đoạt là 8 tỷ đồng.

Chị V (SN 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm "Tài chính thời đại" và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com. Các bị can áp dụng lừa đảo theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, khi nạn nhân bị lùa vào là không rút ra được.

Các đối tượng sử dụng các nền tảng mạng xã hội và các nhóm chat kín để kết nối với nạn nhân, từ đó hướng dẫn họ thực hiện các giao dịch đầu tư, tạo niềm tin về khả năng sinh lời nhanh chóng. Tuy nhiên, thủ đoạn của chúng thực sự tinh vi: sau khi các nạn nhân đã nạp tiền vào, chúng sẽ khuyến khích họ đánh các lệnh lớn, sử dụng đòn bẩy để tăng vốn, khiến tài khoản của họ nhanh chóng “cháy” (thua hết số tiền đã đầu tư). Sau đó, chúng tiếp tục dụ dỗ khách hàng tham gia vào các sàn mới với những lời hứa hẹn hấp dẫn nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

"Các đối tượng sẽ củng cố tinh thần, niềm tin cho họ về việc tiếp tục nạp thêm tiền để gỡ vốn và kiếm lợi nhuận, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng nạp tiền thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền" - Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết.

Công an TP Hà Nội cho biết sau quá trình điều tra, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại, thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỉ đồng trong vụ án TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam và TikToker Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ lừa đảo đầu tư chứng khoán.

Các nhân viên trong nhóm đã chủ động tìm các khách hàng có tiềm năng về tài chính trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên các mạng xã hội Facebook, Zalo... sau đó tiếp cận, lồng ghép các thông tin sai sự thật để giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xác định được số người bị hại sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh.

Cảnh giác chiêu trò mời gọi

Vụ Mr. Pips Phó Đức Nam (còn được gọi là TikToker Mr Pips) và Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ “vỡ” mới thấy tình trạng tội phạm lừa đảo công nghệ đang nhan nhản xã hội.

Những hệ lụy liên quan đến các lớp học dạy làm giàu, kêu gọi đầu tư đang mọc lên nhan nhản. Những cuộc gọi mời đầu tư tài chính nở rộ. Nhiều cá nhân bị quấy rối bởi các cuộc gọi chào mời đầu tư tài chính, chứng khoán tương tự. Không chỉ gọi điện, thông qua Zalo hay Telegram, nhiều người được mời tham gia vào những nhóm riêng để tư vấn đầu tư tài chính nói chung (bao gồm đầu tư chứng khoán, vàng, thậm chí cả tiền số).

Nhà đầu tư khi giao dịch trong thời gian đầu sẽ thắng lớn, nộp 1 mà lời 100, thậm chí tài khoản nhân lên cả chục ngàn lần. Các sàn có thể trả tiền lời bằng tiền thật, trả ngay tức khắc theo cam kết. Tuy nhiên số tiền được trả lại luôn dưới tổng tiền nộp vào. Nhưng đến khi số người nộp tiền đủ, nhiều sàn sẽ tự… biến mất. Có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị bắt để nạn nhân sợ không đi kiện vì luật pháp vốn đã không cho phép.

Khác với cách lừa đảo "truyền thống", một số đối tượng còn hướng dẫn nhà đầu tư "copy" theo danh mục của các nhà đầu tư "siêu giỏi", lợi nhuận sẽ được chia 7 - 3, tức nhà đầu tư "không cần làm gì", chỉ cần bỏ vốn thôi nhưng nhận về 70% lợi nhuận, 30% còn lại là phí "trả công".

Thậm chí các đối tượng còn mạo danh những người nổi tiếng, chuyên gia… để lừa đảo đầu tư tài chính. Những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo đưa ra những lời giới thiệu đầy hấp dẫn như: Chuyên gia này, chuyên gia kia… đã sử dụng EMA, MACD và STO để dự đoán thị trường; quá trình dự đoán không có sai sót và tỷ lệ chiến thắng lên tới 99%; tỷ suất lợi nhuận lên tới 65%; rất nhiều người đã tìm kiếm lời khuyên từ tôi; đây là kỹ thuật tiên tiến và không phức tạp;…

Chuyên gia kinh tế TS Nguyến Trí Hiếu cho biết, bản thân ông chưa bao giờ đứng ra tổ chức giảng dạy các lớp đầu tư tài chính hay kêu gọi đầu tư với tỷ lệ chiến thắng lên tới 99%. Ông Trần Ngọc Báu (Chủ tịch HĐQT Công ty Dữ liệu và Tài chính Wigroup) cho biết, bị một số đối tượng trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok... mạo danh để mở lớp và nhận ủy thác vốn, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cuộc sống và công việc của cá nhân.

Rất nhiều chuyên gia tài chính khác TS. Trần Đình Thiên. TS Cấn Văn Lực, Phạm Lê Thái… cũng bị mạo danh để quảng bá khóa học, mời gọi tham gia các nhóm đầu tư tài chính. Các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn khi công nghệ AI được sử dụng để giả mạo hình ảnh và giọng nói của các lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán lớn như ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI.

Hình thức tấn công lừa đảo tài chính đang gia tăng nhanh chóng khi tội phạm mạng không ngừng nâng cao thủ đoạn, điều chỉnh chiến thuật lừa đảo trở nên tinh vi hơn. Sự gia tăng này có thể lý giải bởi sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và việc tội phạm mạng ngày càng tận dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Qua đó tạo ra các nội dung lừa đảo tinh vi và nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.

Theo báo cáo vừa công bố của Hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công lừa đảo tài chính nhiều nhất. Trong nửa đầu năm 2024 tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính cao nhất với 141.258 vụ, tiếp theo là Indonesia với 48.439 trường hợp. Con số này ở Việt Nam là 40.102 vụ.

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ lừa đảo để nạp tiền theo hướng dẫn của đối tượng và các trang web để đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế. Quan trọng nhất là người dân cần nâng cao cảnh giác và kiểm soát lòng tham, không nên tin vào những hình thức đầu tư dễ dàng mang lại lợi nhuận cao.

Vì sao lại có thể gửi gắm hàng tỷ đồng cho người mà mình không quen biết, không hiểu rõ về họ, không có căn cứ nào đảm bảo cho việc họ sử dụng tiền của mình ra sao để kiếm lời. Các nhà đầu tư không nên tự chui vào bẫy, đặt rủi ro của mình lên cao như thế. Nếu kênh đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận lên đến 15-20% thì đã có vấn đề, chứ đừng nói hứa hẹn lợi nhuận lên đến 50 - 100% là vô lý. Càng hứa hẹn lợi nhuận cao, càng có nguy cơ cao là lừa đảo. (Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh)

Lòng tham của kẻ xấu, họ thấy lừa dễ quá, chỉ tổ chức một vài hội thảo, lập một trang web đã có thể thu hút hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế hết sàn này sập lại đến sàn khác nổi lên và vẫn có thể lừa được những người dân nhẹ dạ, cả tin, ham làm giàu nhanh chóng. Nếu như hiện tại chưa có được hành lang pháp lý cụ thể thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để tuyên tuyền, giáo dục pháp luật hoặc là cảnh báo người dân không tham gia vào những hoạt động như vậy. (Luật sư Trần Tuấn Anh- Công ty luật Minh Bạch)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.00 +0.05 (+0.19%)
70.17 +0.07 (+0.10%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả