Giao dịch chứng khoán chiều 16/4: Tin đồn và phiên cuối tuần chao đảo
Lực bán ồ ạt diễn ra khiến hàng trăm mã rơi sâu đã kích hoạt lòng tham của giới đầu tư, giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm mạnh cùng thanh khoản tăng vọt. Tâm điểm đáng chú ý là ROS khi duy trì phiên tăng mạnh thứ 11 liên tiếp với giao dịch bùng nổ vượt 100 triệu đơn vị.
Không nằm ngoài nhận định của giới phân tích khi dự báo thị trường đang ở mức rủi ro cao. Sau hơn 2/3 phiên sáng nỗ lực giữ sắc xanh nhờ một số trụ đỡ như VHM, VIC, thị trường đã đột ngột lao mạnh về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng mạnh và tạm dừng phiên sáng ở mốc 1.240 điểm.
Sau cú rơi đột ngột cuối phiên sáng, nhiều nhà đầu tư cảm thấy hoang mang hơn đã ồ ạt tung ra lệnh bán đẩy thị trường chìm sâu trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index nhanh chóng xuyên thủng mốc 1.230 điểm khi để mất tới hơn 20 điểm.
Trong những cú rơi mạnh thường thì tâm lý chung của nhà đầu tư sẽ là chuyện gì đang xảy ra? Trên thị trường xuất hiện sự "lý giải" bằng tin đồn sẽ siết cho vay tín dụng bất động sản và ngân hàng, tin này được "suy luận" từ một phát biểu của lãnh đạo trong ngành.
Tuy nhiên, tin đồn này dường như nhanh chóng bị phủ nhận bởi ngành ngân hàng vừa công bố số liệu quý I cho thấy dư nợ bất động sản không những không tăng trong quý I mà đang tiếp đà giảm của năm 2020, dư nợ chứng khoán cũng giảm trong quý I.
Việc giảm điểm của phiên hôm nay, thực chất đã có trong dự báo của một số công ty chứng khoán khi cho rằng có khả năng xảy ra nhịp rũ bỏ 3-5 phiên, trước khi quay lại với xu hướng chủ đạo là tăng điểm hướng tới mốc 1.300 điểm của VN-Index.
Diễn biến thị trường cho thấy nhận định này chuẩn xác, chỉ có điều khi hàng trăm mã giảm sâu đã ngay lập tức kích thích dòng tiền tham lam bắt đáy, kéo thanh khoản thị trường về ngưỡng... nghẽn lệnh. Điều này vừa giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm nhưng đồng thời khiến thị trường nhanh chóng xẩy ra hiện tượng nghẽn lệnh sau hơn 1 giờ mở cửa phiên chiều.
Trong khoảng 30 phút cuối phiên, VN-Index dường như đứng hình, đi ngang dưới mốc 1.240 điểm với thanh khoản nhúc nhắc tăng bởi những lệnh nhỏ lọt khe.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng chính của thị trường bởi hầu hết đều giảm khá mạnh như BID giảm 2,4% xuống 42.000 đồng/CP, HDB giảm 2,6% xuống 26.650 đồng/CP, VCB, TCB, STB và MBB cùng giảm hơn 1,1%, TPB giảm 3,8% xuống 27.700 đồng/CP, VPB giảm 2,1% xuống 48.950 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các bluechip khác cũng chưa thoát khỏi sắc đỏ như FPT, VHM đảo chiều điều chỉnh nhẹ, BVH giảm 2,7% xuống 57.900 đồng/CP, PLX giảm 2,9% xuống 52.800 đồng/CP, VNM giảm 2,2% xuống 96.900 đồng/CP… Cổ phiếu giảm mạnh nhất vẫn là TCH với biên độ giảm 4,2% xuống 22.950 đồng/CP.
Trong khi toàn thị trường nhuộm trong sắc đỏ thì cặp đôi nhà FLC là ROS và FLC vẫn tiếp tục vững chắc. Đặc biệt là ROS giữ mức tăng 6,9% lên mức giá trần 7.710 đồng/CP với thanh khoản khủng, lên mức 101,77 triệu đơn vị và dư mua trần 3,19 triệu đơn vị.
Mặc dù có thời điểm thị trường giảm sâu, ROS đã không giữ được sắc tím nhưng lực cầu mạnh đã giúp cổ phiếu này giữ nhiệt. Như vậy, ROS đã trải qua 11 phiên tăng liên tiếp với tổng cộng mức tăng lên tới 70,2%.
Bên cạnh ROS, người anh em FLC dù không giữ được sắc tím trong phiên hôm nay nhưng với nhịp điều chỉnh khá mạnh, cổ phiếu này vẫn tăng tốt với biên độ tăng 4,5% lên 13.850 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua ROS, đạt 61,85 triệu đơn vị.
Các mã khác trong “hệ sinh thái” FLC là AMD và HAI cũng là những điểm sáng hiếm có của thị trường trong phiên hôm nay khi kết phiên lần lượt tăng 3,6% lên 6.580 đồng/CP và tăng 4,2% lên 6.000 đồng/CP. Thanh khoản của AMD và HAI đều vượt xa 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu bắt đáy cũng nhập cuộc sôi động khi HNX-Index bị đẩy về mốc 290 điểm đã giúp thị trường bật ngược đi lên, thu hẹp đà giảm đáng kể.
Thành viên nhà FLC, cổ phiếu KLF vẫn giữ vững mức giá trần 6.900 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt 26,21 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,28 triệu đơn vị.
Ngoài KLF, trong nhóm HNX30 còn có một số mã khác giữ được đà tăng điểm như DDG, LHC, NVB, SLS và TVC, trong đó TVC tăng tốt nhất với biên độ tăng 6,7% lên 14.400 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, các mã lớn vẫn chưa thoát khỏi đà giảm điểm khá mạnh như IDC giảm 3,8% xuống 35.600 đồng/CP, PVI giảm 2% xuống 33.500 đồng/CP, VIF, DTK, VCS, PVS đều giảm nhẹ…
Ngoại trừ KLF, các mã khác trong top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều giao dịch trong sắc đỏ. Cụ thể, SHB giảm 0,8% xuống 25.800 đồng/CP và khớp 22,36 triệu đơn vị, SHS khớp 14,46 triệu đơn vị, CEO giảm 5,8%^ xuống 11.400 đồng/CP và khớp 13,82 triệu đơn vị, HUT giảm 1,4% xuống 6.800 đồng/CP và khớp 13,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng thu hẹp đà giảm đáng kể sau cú giảm sâu ngay khi mở cửa phiên chiều nhờ lực cầu nhập cuộc tích cực.
Cổ phiếu BSR kết phiên giảm 2,3% xuống mức 16.700 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM, đạt 1,35 triệu đơn vị.
Bên cạnh BSR, các mã lớn khác cũng mất điểm là nguyên nhân chính khiến thị trường chưa thể hồi phục như MSR giảm 2,2% xuống 22.000 đồng/CP, ACV giảm 0,8% xuống 70.900 đồng/CP, MML giảm 2,6% xuống 55.500 đồng/CP, VEA giảm 2,3% xuống 42.900 đồng/CP…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận