Giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải “đuối sức”
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19
Xu hướng tăng chung
Tính đến ngày 2/3/2021, dù đã thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá giá xăng, song giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng hiện nay trên thị trường vẫn đang “neo” ở mức tương đối cao. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có mức giá trần là 17.031 đồng/lít, xăng RON 95-III giá 18.084 đồng/lít, dầu diesel giá 13.843 đồng/lít, dầu hỏa giá 12.610 đồng/lít, dầu mazut có mức giá 13.127 đồng/kg
Được biết, giá bán của các mặt hàng xăng dầu đã thiết lập mặt bằng giá mới kể từ kỳ điều chỉnh ngày 25/2/2021 của Liên bộ Công thương - Tài chính với mức tăng trung bình từ trên 500 đồng - đến dưới 1.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 722 đồng/lít, xăng RON95 tăng 814 đồng/lít, dầu diesel tăng 801 đồng/lít, dầu hỏa 695 đồng/lít, dầu mazut tăng 505 đồng/lít so với mặt bằng giá cũ.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức khá cao (từ 603 đồng - 1.729 đồng/lít/kg cho các mặt hàng xăng dầu). Còn nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá hiện hành khoảng 1.305-2.722 đồng/lít/kg.
“Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ”, đại diện Bộ Công thương chia sẻ.
Theo phân tích của chuyên gia về lĩnh vực này, hiện tăng trưởng kinh tế tại một số nước trên thế giới vẫn còn khó khăn nên nhiều quốc gia đã sử dụng các biện pháp kích cầu, tiếp tục tăng cường áp dụng những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, đã ảnh hưởng đến diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây. Nhìn chung, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng - giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là vẫn theo đà tăng lên, chứ hoàn toàn không giảm mặc dù dịch bệnh vẫn kéo dài, hoạt động doanh nghiệp và đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Vận chuyển lưu thông, thúc đẩy kinh tế
Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Doanh nghiệp kinh doanh vận tải Hai Thành, (P. Phước Long A, TP. Thủ Đức) cho biết, gần 2 năm nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động vì thực hiện giãn cách, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh. Thế nhưng, chi phí đầu vào chi phí vận hành để cầm cự hoạt động kinh doanh lại không thể giảm. Nhất là giá xăng gần đây tăng cao khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó do xăng dầu chiếm 35 - 40% trong chi phí cấu thành của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay lực lượng vận tải ô tô có hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng vạn hộ kinh doanh với số lượng phương tiện là trên 800.000 xe và trên 1,2 triệu lao động. Cũng nhắc lại rằng vận tải, vận chuyển là một trong những ngành kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện chi phí logistics chiếm trên 20% trong GDP của nước ta, cao gấp 3 lần so với các nước tiên tiến, trong đó chi phí vận tải ô tô chiếm 60%.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây thiệt hại to lớn về kinh tế-xã hội của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của các Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh thành phố, hiện hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Cụ thể, vận tải hành khách giảm khoảng 30 - 40%, vận tải hàng hóa giảm khoảng 20 - 30%, đặc biệt là vận tải hàng hóa xuất khẩu qua biên giới sang Trung Quốc giảm khoảng 80 - 90%, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, trong khi các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tăng nhiều...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trước đó đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp ngành vận tải như Bộ Tài chính giảm thuế, miễn tiền phạt chậm nộp, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuế. Đối với Bộ Giao thông - Vận tải, xem xét áp dụng giảm phí bảo trì đường bộ, giảm phí BOT. Nhất là, Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, điện, nước...
Bởi hoạt động vận chuyển, vận tải có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Khi giá xăng dầu cao, kéo theo chi phí logictics tăng cao, đẩy giá nhiều mặt hàng tăng lên khiến đời sống người dân thêm phần khó khăn, hàng hóa trì trệ, ách tắc lưu thông, sản xuất đình đốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận