Giá DFF chia gần 4 lần sau 1 tháng, người thân Chủ tịch bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu
Suốt hơn 1 tháng trở lại đây, vợ và em ruột của ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF) - đã bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu nắm giữ trong bối cảnh giá mã này rơi 72% từ đỉnh.
Ngày 20/08/2024, bà Trần Thị Hồng Nhung, vợ ông Lê Duy Hưng, bị công ty chứng khoán bán giải chấp 50,000 cp DFF. Với thị giá 2,900 đồng/cp, giá trị thương vụ khoảng 145 triệu đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của bà Nhung giảm từ 5.35% còn 5.29%, tương đương hơn 4.2 triệu cp.
Nhưng đây không phải lần duy nhất bà Nhung bị bán giải chấp cổ phiếu. Chỉ 1 ngày trước đó, tức 19/08, bà Nhung bị bán giải chấp 1.05 triệu cp, hạ tỷ lệ từ 6.67% về còn 5.35%. Với thị giá 2,800 đồng/cp, ước tính giao dịch có giá trị hơn 2.9 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 19/08, một cổ đông lớn khác của DFF là ông Lê Văn Thịnh - em ruột Chủ tịch Lê Duy Hưng - cũng bị công ty chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp hơn 1.12 triệu cp DFF. Giá trị giao dịch ước khoảng 3.1 tỷ đồng, hạ tỷ lệ sở hữu của ông Thịnh từ 7.36% xuống còn 5.96%.
Thực tế, câu chuyện bị bán giải chấp của 2 cổ đông lớn DFF không phải mới diễn ra. Từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu DFF đi ngang, rồi bất ngờ “sụp hố” từ ngày 09/07. Từ mức giá 9,700 đồng/cp tại phiên này, thị giá DFF rơi mạnh còn 2,700 đồng/cp kết phiên 23/08, tức chia gần 4 lần sau hơn 1 tháng.
Các đợt bán giải chấp của bà Nhung và ông Thịnh trở nên dày hơn trong giai đoạn này. Ngày 18/07, ông Thịnh bị bán 10,000 cp, còn bà Nhung bị bán 5,400 cp. Sau vài phiên bị bán thêm vài ngàn cổ phiếu, khối lượng bị bán giải chấp của 2 cổ đông dần lên tới hàng trăm ngàn đơn vị. Tính cả lần bán mới nhất, bà Nhung bị bán gần 1.75 triệu cp trong giai đoạn từ 25/07-20/08, còn ông Thịnh gần 2 triệu cp (25/07-19/08).
Ngay cả Chủ tịch HĐQT Lê Duy Hưng cũng bị bán giải chấp. Không tính những lần bị bán với khối lượng chỉ vài ngàn cổ phiếu thì từ ngày 25/07-13/08, Chủ tịch DFF bị bán khoảng 240 ngàn cp.
Hiện, chưa rõ nguyên nhân khiến giá cổ phiếu DFF tuột dốc không phanh, nhưng có lẽ một phần nằm ở kết quả kinh doanh. Từ năm 2023 tới nay, ngoại trừ quý 2/2023 lãi mỏng, DFF liên tục thua lỗ. Quý 2/2024, DFF đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng (cùng kỳ gần 293 tỷ đồng); lỗ ròng hơn 39 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 529 triệu đồng).
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, DFF cho biết tình hình khó khăn của ngành bất động sản đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty. Doanh thu giảm mạnh trong khi các chi phí vẫn giữ ở mức cao dẫn đến thua lỗ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, DFF đạt 73 tỷ đồng doanh thu, chia gần 7 lần so với cùng kỳ; lỗ ròng 61 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 20 tỷ đồng. Với “tham vọng” đạt 1 ngàn tỷ đồng doanh thu và thu lãi sau thuế 8 tỷ đồng như ĐHĐCĐ 2024 thông qua, khả năng hiện thực hóa kế hoạch của DFF tương đối thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường