Giá dầu tăng vọt gần 5% vì xung đột Israel-Hamas, chuyên gia dự báo thế nào?
Một số chuyên gia cho rằng ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu xung đột không leo thang cao hơn và lan rộng hơn...
Giá dầu thế giới tăng mạnh sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bùng lên vào cuối tuần vừa rồi. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu xung đột không leo thang cao hơn và lan rộng hơn.
Lúc hơn 8h sáng nay (9/10) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,99 USD/thùng, tương đương tăng 4,7%, giao dịch ở mức 88,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,99 USD/thùng, tương đương tăng 4,8%, đạt 86,78 USD/thùng.
“Giá dầu sẽ tăng vọt khi các thị trường mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai. Sự gia tăng của phần bù rủi ro là mặc định, cho tới khi thị trường tin rằng sự kiện này không mở màn cho một phản ứng dây chuyền và nguồn cung dầu khí ở Trung Đông không bị ảnh hưởng”, CEO Vandana Hari của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights nhận định với hãng tin CNBC.
Phiến quân Hamas - lực lượng mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh coi là một tổ chức khủng bố - đã mở một cuộc tấn công 3 mũi trên bộ, trên biển và trên không nhằm vào Israel vào hôm thứ Bảy vừa rồi, đúng vào một dịp lễ lớn của người Do Thái. Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi Hamas bắn hàng nghìn tên lửa vào Israel từ dải Gaza, đánh dấu một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Israel.
Phía Israel đã nhanh chóng đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào các địa điểm của Hamas ở Gaza.
Theo số liệu từ hãng tin Reuters sáng 9/10, cuộc tấn công của Hamas đã khiến khoảng 700 người Israel thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt cóc. Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hamas đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Chưa kể, mỗi bên còn có hàng nghìn người khác bị thương.
“Rủi ro nằm ở chỗ xung đột có thể lan ra khu vực. Nếu Iran bị kéo vào xung đột, vấn đề nguồn cung sẽ xảy ra. Nhưng hiện tại, chúng ta chưa ở vào giai đoạn đó”. Chuyên gia Henning Gloystein, Eurasia Group
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đã bắt đầu giai đoạn tấn công và “sẽ tiếp tục mà không có bất kỳ giới hạn hay bước lùi nào cho tới khi đạt mục tiêu” khiến lực lượng Hamas phải “trả giá đắt”.
Cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu lửa, nhưng xung đột này xảy ra tại Trung Đông - “vựa” dầu lớn của thế giới, và xung đột có khả năng leo thang cao hơn. Ông Hari nhấn mạnh rằng xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hay cung cấp dầu, nhưng “nằm ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng”.
Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu.
Các chuyên gia khác cũng có quan điểm tương tự như ông Hari.
“Ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ hạn chế trừ phi xung đột nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, với sự dính líu của Mỹ, Iran và các quốc gia khác ủng hộ các bên liên quan trong cuộc chiến”, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, ông Iman Nasseri, nhận định.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ người Pháp Pierre Andurand nhận định trên Twitter rằng nơi xảy ra xung đột không phải là một vùng sản xuất dầu lớn, nên sẽ không có ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Andurand cho rằng tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp và liên minh OPEC+ đang hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp ới.
“Thị trường có thể sẽ đến lúc kêu gọi Saudi Arabia bơm nhiều dầu hơn, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu giá dầu Brent còn ở dưới mốc 110 USD/thùng”, ông Andurand viết trên mạng xã hội X.
Một số chuyên gia khác bày tỏ mối lo về Iran - một nước sản xuất dầu lớn. Xuất khẩu dầu của nước này đã bị hạn chế kể từ khi nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Trong 1 năm trở lại đây, Mỹ và Iran nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, và xuất khẩu dầu của nước này cũng tăng trở lại.
“Với sự khuyến khích của Mỹ và các cuộc đàm phán hạt nhân bí mật, sản lượng khai thác dầu và xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng thêm khoảng 600.000 thùng/ngày lên mức 3,2 triệu thùng/ngày trong thời gian từ cuối năm 2022 đến giữa 2023”, một báo cáo của Citi viết.
Bởi vậy, nếu xung đột lan rộng ra khu vực và có sự dính líu của Iran, nguồn cung dầu từ Trung Đông có thể bị ảnh hưởng.
“Rủi ro nằm ở chỗ xung đột có thể lan ra khu vực. Nếu Iran bị kéo vào xung đột, vấn đề nguồn cung sẽ xảy ra. Nhưng hiện tại, chúng ta chưa ở vào giai đoạn đó”, chuyên gia Henning Gloystein của công ty tư vấn Eurasia Group nhận định. Ông cũng khẳng định các cuộc tấn công vào cuói tuần vừa rồi “chưa ảnh hưởng đến nguồn cung dầu”.
Do mối lo về sự thắt chặt của nguồn cung, giá dầu gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm, nhưng sau đó quay đầu giảm trở lại vì triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận