Cụ thể, doanh thu thuần quý IV của Gelex đạt 5.888 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Gelex không còn ghi nhận doanh thu từ mảng vận tải và kho vận do đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics – đơn vị trực tiếp sở hữu Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans) và nhiều công ty trong lĩnh vực vận tải khác.
Cùng kỳ năm 2019, mảng vận tải và kho vận đem về cho Gelex hơn 468 tỷ đồng doanh thu. Việc thoái vốn tại mảng này làm giảm một khoản không nhỏ trong nguồn thu của Gelex. Bù lại, việc tập trung hơn vào mảng cốt lõi là thiết bị điện giúp Gelex đạt được doanh thu từ mảng này tăng trưởng ở mức 54%, ghi nhận 5.540 tỷ đồng trong quý IV.
Trừ đi 5.032 tỷ đồng giá vốn hàng bán, Gelex thu về 855,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2019. Biên lãi gộp co về 14,53%, giảm hơn 2 điểm phần trăm do tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Sau khi khấu trừ khoản lỗ hơn 211 tỷ đồng từ hoạt động tài chính cùng các loại chi phí khác, Gelex báo lãi sau thuế hơn 324 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với quý IV/2019.
Lũy kế năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Gelex lần lượt đạt 17.948 tỷ đồng và 965 tỷ đồng, tương ứng đều tăng trưởng ở mức trên 17% so với năm 2019.
Năm 2020, ban lãnh đạo Gelex đặt ra 2 kịch bản kinh doanh trong trường hợp hợp nhất và không hợp nhất Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) và không hợp nhất.
Sau khi tiến hành chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, thương vụ hoàn tất với tỷ lệ thành công là 99%. Gelex tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 46,07%. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đạt đến mức chi phối (51%), Viglacera chưa phải là công ty con của Gelex nên kết quả kinh doanh chưa thể hợp nhất trên báo cáo tài chính.
Như vậy, trong trường hợp không hợp nhất với Viglacera, kết quả kinh doanh của Gelex đã vượt kế hoạch hơn 2% về doanh thu và vượt kế hoạch hơn 61% về lợi nhuận.
Tổng tài sản của Gelex tăng hơn 27% so với thời điểm đầu năm, đạt 27.131 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2020. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền tăng từ 920 tỷ đồng lên trên 1.500 tỷ đồng.
Khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 33% lên 5.798 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, tổng giá trị khoản đầu tư của Gelex vào Viglacera tại cuối năm 2020 là hơn 4.656 tỷ đồng.
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Gelex tăng từ 8.570 tỷ đồng (đầu năm) lên 12.083 tỷ đồng (cuối năm), chiếm hơn 63% tổng nợ phải trả.
Được biết, ĐHCĐ bất thường của Gelex đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu để tăng vốn điều lệ của tổng công ty, sau khi hoàn tất đợt phân phối 12 triệu cổ phiếu quỹ cho người lao động.
Theo đó, Gelex dự kiến phát hành gần 292,95 triệu cổ phiếu mới, với tỷ lệ 10:6, tức 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua và cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới. Mức giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công gần 292,95 triệu cổ phiếu GEX, vốn điều lệ của Gelex sau chào bán sẽ tăng từ 4.882 tỷ đồng lên hơn 7.811 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là quý I, quý II/2020.
Phía Gelex cho biết số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là hơn 3.515 tỷ đồng. Trong đó, 1.800 tỷ đồng dành để thực hiện các dự án nhà máy điện gió thông qua Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex. 500 tỷ đồng dùng để triển khai dự án tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hơn 1.200 tỷ đồng còn lại sẽ bổ sung vào vốn kinh doanh cho Gelex và Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex.
Cổ phiếu GEX của Gelex mở cửa phiên 1/2/2021 ở mức giá 19.800 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 9.100 tỷ đồng.
Chia sẻ thông tin hữu ích