Gạo Việt Nam được chuyên gia thế giới dự báo lạc quan trong thời gian tới
Báo cáo "Nghiên cứu ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2022-2031" do tổ chức ResearchAndMarkets vừa thực hiện cho biết, có ba lý do chính đưa hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển ổn định.
Thứ nhất là chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó cơ cấu ngành lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ như thay đổi quy trình canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng.
Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ hạt giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chỉ chiếm 35% -40% cơ cấu sản xuất nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt từ 75% -80%, thậm chí có nơi tỷ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao lên tới 90%.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với nhiều nước, tạo điều kiện cho sự bứt phá của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Thứ ba là nhu cầu thị trường, trong bối cảnh nhiều ngành vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020, nhưng nhu cầu về lương thực, thực phẩm vẫn không hề sụt giảm.
Theo phân tích của các chuyên gia, đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm trồng lúa của Việt Nam, khu vực đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và 95% lượng gạo xuất khẩu cho nền nông nghiệp Việt Nam. Vào năm 2020, nông dân đồng bằng sông Cửu Long trồng hơn 1,5 triệu ha lúa mỗi mùa, với năng suất bình quân 6 tấn/ha và sản lượng lúa hàng năm trên 24 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng lúa đông xuân tại đây ước đạt khoảng 10 triệu tấn từ năm 2020 đến năm 2021.
Số liệu thống kê cho biết, năm 2021 Việt Nam đạt tổng sản lượng lúa khoảng 44 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, làm thức ăn gia súc, gia cầm và xuất khẩu đạt giá trị 3,133 tỷ USD. Gạo đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều mặt hàng chiếm ưu thế lâu nay của Việt Nam giảm mạnh.
Về giá, mặc dù giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2021 giảm 3,83% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 477 USD/tấn, nhưng sang đầu năm 2022, giá gạo Việt Nam vẫn giữ vị trí cao nhất. Tính đến ngày 25 tháng 3, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm trung bình đạt 515-520 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan cùng loại ở mức 500 -518 USD/tấn và gạo Ấn Độ là 398- 403 USD/tấn.
Theo lộ trình, EU sẽ giảm thuế suất nhập khẩu về 0 trong những năm tới. Tận dụng lợi thế trên, ngay từ tháng 9/2020, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo sang EU với giá cao hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 và gạo Jasmine xuất sang EU lần lượt chỉ là 800 USD và 550 USD/tấn, trong khi hiện nay giá lần lượt là trên 1.000 USD và 600 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, việc Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo trong tháng 5 vừa qua đã giúp khôi phục kết quả xuất khẩu gạo vào thị trường này. Ngoài Philippines thì nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, Châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận