FPT tăng mạnh kinh doanh chuỗi nhà thuốc
FPT vừa lên kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư vốn vào Long Châu. Cuộc đua mảng chăm sóc sức khỏe đang nóng cả ở Việt Nam lẫn thế giới.
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) vừa công bố nghị quyết tăng vốn góp tại Long Châu lên gấp đôi, từ 225 tỷ thành 450 tỷ. Nếu rót vốn thành công thì FRT sẽ sở hữu 89,83% vốn của Long Châu.
Thị trường đang “nóng”
FPT vốn là một hãng công nghệ và bán lẻ. Các ông lớn công nghệ và bán lẻ trên thế giới cũng đang tỏ ra rất chí thú với mảng y tế, phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tháng 8/2022, Amazon ra giá đến 8 tỷ USD để mua lại Signify Health, một nền tảng dịch vụ y tế tại gia giúp những người cung cấp dịch vụ quản lý các khoản thanh toán. Ngoài Amazon, CVS và UnitedHealth cũng tham gia cuộc đấu giá.
Trước đó một chút, tháng 7/2022, Amazon mua lại chuỗi phòng khám One Medical với giá 4 tỷ USD, là thương vụ lớn thứ ba từ trước đến nay của họ.
Hay như Walmart hiện nay cũng có một số, tuy ít nhưng đang tăng, các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu. Còn Walgreens mở hàng trăm phòng khám với thương vụ hợp tác với VillageMD, và tham vọng xây dựng 600 phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Mỹ đến năm 2025.
Amazon mua lại chuỗi phòng khám One Medical với giá 4 tỷ USD
Và Việt Nam cũng đang “chảy” theo dòng chảy này. Cuộc đua nhà thuốc ở Việt Nam vốn đã nóng từ đầu năm nay, nay lại tiếp tục tăng nhiệt.
Có thể kể đến Pharmacity. Chỉ trong quý 1 năm 2022, thương hiệu này mở mới đến 200 nhà thuốc. Ngày 21/3, Pharmacity làm lễ khai trương nhà thuốc thứ 1.000 ở TP. HCM với quy mô lớn. Đại diện Pharmacity cho biết đơn vị này phấn đấu đạt 1.750 nhà thuốc đến hết năm 2022 và mục tiêu 5.000 nhà thuốc đến năm 2025.
Hoặc như TGDĐ cũng tuyên bố mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang với tốc độ nhanh. Trước đó cuối năm 2021, TGDĐ đã mua lại gần 100% cổ phần An Khang.
Dấu hiệu tích cực
Việt FPT quyết định tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Long Châu diễn ra sau những thành tích ấn tượng của chuỗi nhà thuốc trong năm 2021 và 2022.
Trong năm 2021, sau 3 năm hoạt động, Long Châu chính thức có lãi, và lãi trước hẹn đến 2 năm (dự kiến trước đó là 2023 mới có lãi). Đến năm 2022, trong chín tháng đầu năm Long Châu tiếp tục thu về 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm ngoái. Về quy mô, Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, tăng thêm 400 so với đầu năm. Mỗi cửa hàng có doanh thu dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ.
Sau 3 năm hoạt động, Long Châu chính thức có lãi
Đều đó cho thấy không phải tự nhiên mà những ông lớn cả Việt Nam lẫn thế giới lại thi nhau đốt nóng cuộc chiến nhà thuốc. Người dân Việt Nam đang có xu hướng chuyển dần dần từ “chữa bệnh” sang “bảo vệ sức khỏe”. Đây chính là giai đoạn vàng để đầu tư trong ngành dược.
Không chỉ vậy, tiềm năng mảng dược vẫn còn rất rộng. Ở Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc, nhưng chỉ là kiểu cá nhân, nhỏ lẻ. Còn các nhà thuốc theo chuỗi thì mới có 3.000. Các nhà bán lẻ (như FPT chẳng hạn) lại rất mạnh làm chuỗi. Họ biết cách xây dựng thương hiệu, uy tín, đồng bộ giá cả.
Y tế, chăm sóc sức khỏe luôn là thị trường rất nóng bởi sức khỏe không phải là một thứ “theo mùa”. Hay nói cách khác, người tiêu dùng lúc này có thể thích thứ này, lúc khác lại chán thứ kia. Thế nhưng có một điều luôn bất biến và con người phải luôn quan tâm: Sức khỏe của bản thân.
Khi đó chăm sóc sức khỏe trở thành một nguồn doanh thu đáng tin cậy, cũng như là nguồn lưu lượng khách hàng cực kỳ tiềm năng. Đồng thời, những nhà bán lẻ lớn sẽ phát huy được khả năng của mình trong việc đem đến trải nghiệm tốt, sự tiện lợi cho khách hàng - thứ mà các đơn vị truyền thống không thể, hoặc phải tốn rất nhiều công sức mới làm được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận