FECON báo lỗ lần đầu kể từ khi niêm yết
Doanh nghiệp xây dựng và bất động sản FECON công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận âm gần 7 tỷ đồng, tồn kho tăng mạnh.
CTCP FECON (MCK: FCN) báo lỗ trong BCTC quý I/2022 được công bố gần đây, đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp thua lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn.
Theo đó, FECON ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 502 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá vốn giảm thấp hơn nên lợi nhuân gộp giảm 16% còn 87,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp 17,5%, trong khi cùng kỳ 18,1%.
Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính tăng 94,7% lên 10,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gần 60% do phí lãi vay và thuê tài chính tăng từ 28,6 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, với mức lần lượt là 6% và 2,5%.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm từ 27,8 tỷ đồng còn 64,6 triệu đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng bị kéo xuống thành âm 6,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 17,4 tỷ đồng.
Phía FECON giải trình sự sụt giảm lợi nhuận này đến từ việc doanh thu và lợi nhuận gộp trong kỳ giảm bởi tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Bên cạnh đó, đơn vị phát sinh chi phí lãi vay của công ty thành viên Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10 năm ngoái.
Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, công ty mới thực hiện được 10% mục tiêu doanh thu.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của FECON giảm gần 5%, còn 7.135 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn, chiếm 67%, tương đương 4.782 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Các khoản phải thu chiếm hơn một nửa tổng tài sản ngắn hạn, giảm 13,7% còn 2.433,7 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 2.057,5 tỷ đồng còn 1.681,3 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho tăng nhẹ 7%, lên hơn 1.786 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ở thời điểm cuối tháng 3 ghi nhận gần 4.207 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.289,9 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn là 1.100,1 tỷ đồng.
Hiện doanh nghiệp đang triển khai các dự án như: Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2, sân bay Long Thành, Nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4 (xử lý nền); Nhiệt điện Vũng Áng giai đoạn 2 (đóng cọc, san nền và dự kiến thêm 500 tỷ đồng xây lắp),... dự kiến đem về doanh thu chủ chốt trong năm 2022.
Về lĩnh vực giao thông là dự án hầm chui Lê Văn Lương và đường sắt đô thị số 3 Hà Nội. Đơn vị này cũng đang “tham vọng” chuyển từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính, tham gia với vai trò tổng thầu 1 - 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2…
Trên thị trường, cổ phiếu FCN chốt phiên ngày 10/5 ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu (giảm 3,3%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận