Dự báo khách qua sân bay Việt Nam đạt 100 triệu lượt trong năm nay
Cục Hàng không cho biết, sau 10 tháng của năm 2022, thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch COVID-19, có hơn 81 triệu lượt khách qua các sân bay trên cả nước.
Cục Hàng không cho biết, sau 10 tháng của năm 2022, thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch COVID-19, có hơn 81 triệu lượt khách qua các sân bay trên cả nước.
Dự báo trong năm 2022, tổng số lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 100 triệu lượt (thấp hơn 20 triệu lượt khách so với năm 2019 – khi chưa có dịch COVID-19). Trong đó, khách nội địa là chủ yếu, khách quốc tế mới đạt hơn 5 triệu lượt.
Dự kiến, doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thị trường khách quốc tế tiếp tục phục hồi, các thị trường quốc tế trọng điểm dần mở cửa, như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cũng theo Cục Hàng không, cả nước hiện có 22 sân bay thương mại, nhưng chỉ có một nửa trong số đó đủ điều kiện để hoạt động cả ngày lẫn đêm, số còn lại chỉ đáp ứng được các chuyến bay ban ngày.
Hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác thương mại, trong đó 21 sân bay do ACV quản lý khai thác, sân bay còn lại (Vân Đồn, Quảng Ninh) do tư nhân vận hành.
Trong số sân bay trên, chỉ 11 sân bay đủ điều kiện hoạt động cả ngày lẫn đêm (24/24 giờ), gồm các sân bay: Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Huế), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà) Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng), và Phú Quốc (Kiên Giang).
Các sân bay còn lại chưa đủ điều kiện để hoạt động đêm do chưa được trang bị hệ thống đèn dẫn đường đêm, các hệ thống an toàn bay liên quan, điều này một phần cũng do các sân bay trên nhu cầu chưa cao để đầu tư trang bị. Hiện một số sân bay có nhu cầu cao dự kiến được đầu tư, nâng cấp để có thể khai thác các chuyến bay khung giờ đêm, như Côn Đảo (Bài Rịa – Vũng Tàu), Thọ Xuân (Thanh Hoá), Phù Cát (Bình Định)…
ACV lãi hơn 5.800 tỷ đồng ACV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022. Theo đó, tính riêng quý III vừa qua, ACV đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ hơn 700 tỷ đồng), tức tăng hơn 441% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng của năm nay, ACV lãi sau thuế hơn 5.800 tỷ đồng (tăng hơn 91% so với cùng kỳ năm trước, tức hơn 5.300 tỷ đồng). Lý giải về mức lợi nhuận ấn tượng này, ACV cho biết, do hoạt động bay thương mại đã mở cửa và khôi phục lại sau dịch COVID-19, đặc biệt với hàng không nội địa; giá các dịch vụ hàng không đã khôi phục về mức thu như thời điểm trước dịch (các chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sân bay do COVID-19 kết thúc).Ngoài ra, ACV cũng có nguồn thu khá lớn và ổn định từ lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá (ACV chủ yếu vay lại vốn ODA của Nhật Bản, trong khi đồng Yên mất giá so với Việt Nam đồng và các ngoại tệ khác). Trong 9 tháng năm nay, ACV đạt tổng doanh thu từ hoạt động chính trên 9.700 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 4.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính mang về doanh thu hơn 3.400 tỷ đồng cho ACV… Trong hoạt động tài chính, hiện ACV có trên 33.200 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, riêng tiền lãi thu về gần 1.200 tỷ đồng; thu từ lãi chênh lệch tỷ giá mang về hơn 2.200 tỷ đồng, cổ tức được chia hơn 43 tỷ đồng… |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận