menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trọng Đạt

Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì thiếu điện

Khó khăn chồng chất khó khăn, vốn khó tiếp cận lại cộng thêm thiếu điện, không biết các doanh nghiệp sẽ chống chọi ra sao?

Sau thiếu vốn, thiếu việc, khi túc tắc có đơn hàng trở lại, doanh nghiệp đối mặt thiếu điện.

Hơn hai tuần qua, cơn khủng hoảng thiếu điện đã lan khắp lĩnh vực, ngành nghề ở miền Bắc. Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc công ty cơ khí chính xác Hà Nội CNC (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), chia sẻ việc mất điện đang thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường vốn không hề thuận lợi.

2023 là thời điểm doanh nghiệp đang kiệt quệ vì đói đơn hàng, thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao. Số liệu thống kê đến hết tháng 5 cho thấy hơn 88.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường; còn khảo sát của VnExpress và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với gần 10.000 doanh nghiệp cũng chỉ ra 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.

"Kinh tế năm nay suy thoái kéo theo đơn hàng giảm sút. Nếu may mắn có được đơn hàng, dự án, yêu cầu kèm theo là tiến độ ngắn, gấp", ông Châu nói. Tuy nhiên, việc mất điện sản xuất đột xuất hoặc báo trước nhưng không kịp thời, khiến doanh nghiệp bị động, khó hoàn thành được đơn hàng đúng hạn, mất uy tín với khách.

"Điện là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong sản xuất. Nhưng việc giảm tải như hiện nay sẽ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19", ông chia sẻ.

Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì thiếu điện

Xưởng may đan tre vắng lao động vì mất điện ngày 2/6. Ảnh: Gia Chính

Ông Vũ Khắc Tiệp, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Song Phương, nhận định mất điện đang chồng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn muốn gượng dậy sau bệnh dịch.

Ông kể, để nâng cao năng lực sản xuất, năm ngoái, Song Phương đã hiện đại hóa nhà máy nên 90% dây chuyền sử dụng điện năng. Việc cúp điện thời gian qua khiến năng lực sản xuất của doanh nghiệp giảm xuống 40%.

Mất điện cũng khiến các chi phí khác của doanh nghiệp tăng đột đột. "Công nhân phải nghỉ giữa ca sản xuất trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, sắp xếp tăng ca làm trái giờ dẫn đến chi phí nhân công tăng", ông liệt kê.

Sắp tới, doanh nghiệp này có đơn hàng đi Trung Quốc, châu Âu nhưng thay vì mừng, ông Tiệp bày tỏ nỗi lo vì điểm rơi sản xuất đúng vào cao điểm nắng nóng, khả năng mất điện lâu, mật độ dày hơn, có thể tác động đến chất lượng, chi phí hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, hiện miền Bắc đang có nguy cơ "thiếu điện hầu hết giờ trong ngày" do nhu cầu sử dụng vượt quá công suất khả dụng của tất cả các nguồn (bao gồm điện nhập khẩu). Ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể lên đến 50,8 triệu kWh.

"Nếu mất điện kéo dài, khả năng mất hợp đồng vào các doanh nghiệp ở thị trường phía Nam là rất lớn", ông Tiệp chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nội địa mới chật vật, nhiều doanh nghiệp FDI lớn cũng khốn khổ khi sản xuất đình đốn, chi phí gia tăng khi điện chập chờn.

Nói với VnExpress, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), kể, hàng loạt doanh nghiệp Hàn đang chịu cảnh mất điện 2-3 lần mỗi tuần.

"Số lần mất điện chiếm đến nửa tuần làm việc khiến doanh nghiệp không thể sản xuất, đơn hàng bị chậm trễ, máy móc hàng hóa bị hư hỏng, trong khi các chi phí cố định vẫn phải chi trả", ông nói. Những điều này được cộng đồng doanh nghiệp Hàn đánh giá gây thiệt hại không hề nhỏ.

Hiện các doanh nghiệp Hàn đang lo ngại chuyện có thể phải bồi thường nếu giao hàng không đúng hạn. "Nhiều doanh nghiệp rất sợ thời gian mất điện kéo dài. Vài ngày đến một tháng họ còn cố chịu, nhưng liên tục giảm điện 40-50% thì rất nguy hiểm", ông Hong Sun nói. Hiện hiệp hội đại diện cho gần 10.000 doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính có biện pháp khắc phục.

Lĩnh vực dịch vụ cũng chịu tác động vì mất điện tương tự. Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, cho biết, thiếu điện khiến các cảng biển ở miền Bắc bị tắc nghẽn hàng hoá, thiệt hại cho nhiều bên.

Ví dụ tại cảng Hải Phòng, một ngày bình thường, cảng sẽ thông quan khoảng 15.000 TEU (15.000 container loại 20 feet), tương đương 8-9 tàu. Thời gian bốc, dỡ khoảng 20 giờ cho một tàu.

"Tàu vào bến mà không có điện để phục vụ sẽ khiến hàng hóa ùn tắc. Thiệt hại cho cảng, hãng tàu khoảng 30.000-40.000 USD một tàu. Mỗi ngày có khoảng 20-30 tàu ra vào thì thiệt hại không hề nhỏ", ông Long nói.

Bên cạnh đó, theo ông, hiện các cảng đã đầu tư mạnh để có công nghệ cao, sử dụng điện thay vì xăng, với chi phí rất lớn. Do đó, việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Các siêu thị lớn, trung tâm thương mại cũng bị gián đoạn kinh doanh vì cúp điện. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail, cho biết, từ đầu mùa hè, Điện lực quận Cầu Giấy, Hà Nội đã 2 lần cắt điện tại trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Lý do cắt điện là "để giảm tải trong khoảng 2 tiếng".

Việc cắt điện đã dẫn tới Big C phải sử dụng hệ thống máy phát điện và phải cắt giảm hệ thống điều hòa trong phần lớn khu vực của Trung tâm thương mại, và thậm chí tắt các hệ thống Lò nướng Bánh mỳ, lò nướng Gà. Điều này ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh của siêu thị.

Trung tâm thương mại AEON Long Biên cũng bị cắt điện 2 lần trong những ngày đầu tháng 6. Đại diện doanh nghiệp cho biết, khi mất điện, máy phát sẽ hoạt động để duy trì hệ thống tủ lạnh, tủ đông, chiếu sáng, thu ngân tại khu vực siêu thị. Tuy nhiên tại khu vực trung tâm thương mại, do lượng điện không đủ, một số gian hàng cũng phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hệ thống điều hòa cũng không duy trì như bình thường.

Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, trước mắt các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ tập trung vào cắt giảm, tiết kiệm năng lượng, sắp xếp lại sản xuất cũng như tìm sự chia sẻ từ các bạn hàng.

Ông Châu cho biết, Hà Nội CNC đang hạn chế thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy; điều chỉnh lịch làm việc của người lao động nhằm khắc phục và duy trì phần nào hoạt động sản xuất; xin kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng trong phạm vi cho phép. Công ty Song Phương cũng đang tìm phương án xếp ca kíp luân phiên, cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công.

Ông Trần Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện tử MBT, nói, để giữ uy tín với khách hàng, trong trường hợp mất điện kéo dài, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm máy phát điện để đảm bảo tiến độ đơn hàng. Tuy nhiên, ông nhận định, giải pháp này chỉ là tạm thời khi phải đầu tư chi phí vận hành máy phát ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghệ cơ khí Sao Việt (Savimec) Ngô Sách Vinh chia sẻ, đơn vị bắt đầu tính đến phương án tự đầu tư năng lượng tái tạo để có thể đáp ứng kế hoạch sản xuất, kịp tiến độ giao hàng. Dù vậy sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Hiện các doanh nghiệp đều có chung đề xuất mong Chính phủ chấm dứt tình trạng cắt điện để đảm bảo nhu cầu ổn định hoạt động sản xuất. Trong trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp mong muốn có lịch thông báo sớm cụ thể, chính xác lịch cắt điện để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Phương Ánh - Anh Minh - Thi Hà

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
10 Yêu thích
3 Bình luận 17 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại