Doanh nghiệp niêm yết gian nan đường về đích 2023
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn, nhiều mục tiêu khó đạt được. Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm, nhưng nhiều doanh nghiệp xác định không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Nhiều doanh nghiệp lỡ kế hoạch năm
“Chưa có năm nào kinh doanh khó khăn như năm nay”, ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, Haxaco thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm, Haxaco mới hoàn thành được 8% mục tiêu đề ra khi lợi nhuận trước thuế đạt chưa tới 15 tỷ đồng.
Mặc dù ngành ô tô đón “cú huých” chính sách miễn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng lại chưa thể trở thành động lực giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh do sức tiêu thụ suy yếu.
“Haxaco có thể đạt lợi nhuận khoảng 30-40 tỷ đồng trong năm 2023 và chúng tôi xác định không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Bối cảnh kinh doanh năm nay rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành còn đối diện với thua lỗ, nên việc Haxaco vẫn duy trì được hệ thống và có lãi là một kết quả chấp nhận được. Mặt khác, Haxaco đang có lợi thế dẫn đầu thị phần về phân phối sản phẩm Mercedes-Benz tại Việt Nam và đang nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm, giải quyết các tồn tại… để có thể tăng tốc trong thời gian tới”, Chủ tịch Haxaco nói.
Hiện tại, ngoài Mercedes-Benz, Haxaco đang mở rộng phân phối xe MG và mảng xe dịch vụ. Hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên đang đóng góp tích cực cho Haxaco. Đây là cơ sở để Công ty chi trả cổ tức 20% trong năm 2023, cũng cho thấy nỗ lực của Haxaco với các cổ đông trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thành Công (mã TCM), thông tin từ doanh nghiệp cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, Thành Công đạt doanh thu 116,317 triệu USD, bằng 74% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 7,167 triệu USD, bằng 73% cùng kỳ.
Trong tháng 10, doanh thu dệt may của Thành Công đến từ 3 mảng chính, gồm sản phẩm may chiếm 75%, vải chiếm 16% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu. Công ty xuất khẩu hàng dệt may sang 3 thị trường lớn trên thế giới, trong đó thị trường châu Á chiếm 53% tổng doanh thu (riêng Hàn Quốc là 22,47%; Nhật là 13,8%, Trung Quốc là 6,08%...); thị trường châu Mỹ chiếm 44,5% - chủ yếu đến từ Hoa Kỳ với 43,18%; thị trường châu Âu chiếm 2,5%.
Thông thường, quý IV hàng năm là thời điểm chuẩn bị cho các lễ hội và Tết, nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước đây do tình hình kinh tế còn khó khăn.
Năm 2023, Thành Công lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 3.927 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 245 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 13% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, với kết quả 10 tháng, Công ty mới thực hiện được 72% chỉ tiêu doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Lãnh đạo Thành Công cho hay, tính đến nay, Công ty mới nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý IV/2023, cho nên khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm là rất khó.
Thực tế, gian nan đường về đích 2023 là câu chuyện chung đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng chia sẻ, chỉ cần không lỗ trong quý IV, khó khăn sẽ vượt qua. Thế nhưng, nhu cầu tiêu dùng tăng chậm nên doanh thu đạt thấp, trong khi doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh các loại chi phí cố định như chi phí giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý...
Ông Hoàng Mạnh Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã SHE) giãi bày, tình hình kinh doanh hiện tại thực sự rất khó khăn, các mảng kinh doanh của Công ty đều đang cố gắng duy trì ổn định.
“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra, thế nhưng khả năng này không cao ”, ông Tân nói. Được biết, trong năm 2023, SHE đặt mục tiêu đạt doanh thu 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng.
Kỳ vọng cải thiện từ 2024
Thông thường, quý IV hàng năm là thời điểm chuẩn bị cho lễ Tết, nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước đây do tình hình kinh tế còn khó khăn.
Để giải quyết khó khăn, Sơn Hà đang tìm kiếm các kênh bán hàng mới, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu. Giám đốc Sơn Hà cho biết, Công ty đang làm mẫu sản phẩm bơm nhiệt xuất khẩu, hiện đã có khách hàng ở Úc, Trung Quốc đặt hàng cho năm tới.
Tiếp cận thị trường nước ngoài để mở rộng dư địa tăng trưởng cũng là giải pháp Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã NHH) đang tập trung triển khai. Nhựa Hà Nội cũng xác định chỉ hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Công ty đang tập trung xuất khẩu các sản phẩm mảng ván sàn (công ty con của Nhựa Hà Nội là Công ty An Cường đang xuất khẩu 90% sản phẩm đi Mỹ) và nhựa gia dụng. Hiện đã có khách hàng là siêu thị lớn tại Canada đặt hàng cho năm 2024.
“Nhựa Hà Nội sẽ bứt ra khỏi vùng an toàn, không chỉ cung cấp cho khách hàng truyền thống trong nước, mà còn mở rộng tệp khách hàng mới, thị trường mới ở nước ngoài, qua đó tự chủ hơn trong kế hoạch kinh doanh”, ông Ngô Văn Thụ - Tổng giám đốc Nhựa Hà Nội cho hay.
Ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch Haxaco nhìn nhận, khó khăn nào rồi cũng qua, bối cảnh thách thức hiện tại là dịp để doanh nghiệp nhìn lại, điều chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế để có sức bật khi thị trường hồi phục. Ông Dũng cho biết, Haxaco đang đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự và hệ thống, chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi bởi thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Với Thành Công, tình hình kinh doanh được kỳ vọng sẽ khả quan hơn từ năm tới. Hiện tại, doanh nghiệp này bắt đầu nhận được đơn hàng cho quý I/2024.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu trang phục của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2023 - đầu năm 2024 là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội. Đây là cơ hội cho các thị trường có thế mạnh về dệt may mở rộng thị phần tại Mỹ, bao gồm cả Việt Nam. Tín hiệu phục hồi kinh tế ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Mặt khác, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực tế này đặt doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh. Để giải quyết thách thức đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường nghiêm ngặt hơn, đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng sản xuất kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường