24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp 'chóng mặt' vì giá cước vận tải biển

Chi phí vận chuyển hàng hoá tăng mạnh do giá cước vận tải biển tăng chóng mặt.

Giá cước vận tải biển liên tục tăng từ đầu năm đến nay và được dự báo sẽ neo ở mức cao khiến các doanh nghiêp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí buộc phải giảm sản xuất, thay đổi phương thức giao hàng, thị trường.

Chuyên xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, hạt điều và các loại gia vị khác sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, công ty gặp nhiều khó khăn vì giá cước vận tải biển tăng cao.

Chỉ trong hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TP.HCM đi thị trường châu Âu đã tăng ba lần, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet.

Vì Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF - tức bên bán chịu chi phí vận chuyển - nên cứ mỗi container Phúc Sinh phải trả thêm 5.000 USD. Có tháng xuất khẩu 100 container đồng nghĩa phải trả thêm gần 13 tỷ đồng.

Dù chấp nhận tự bù thêm chi phí vận chuyển để giữ uy tín với khách hàng nhưng để có tàu xuất hàng đi vào thời điểm này cũng không dễ.

Theo ông Thông, không chỉ các doanh nghiệp Việt mà cả doanh nghiệp ở châu Âu, châu Mỹ đều kiệt sức vì chi phí vận chuyển.

“Trong bối cảnh như vậy Phúc Sinh buộc phải đưa ra giải pháp tình thế là tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để tìm thêm đối tác, khách hàng mới. Với thị trường trong nước Phúc Sinh phải tăng giá bán các sản phẩm do nguyên liệu đầu vào đã tăng 300% nên dù không muốn cũng phải tăng vì không còn cách nào khác”, ông Thông nói thêm.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng các doanh nghiệp gỗ ở TP.HCM tăng 30%.

Dù có những tín hiệu đáng mừng nhưng theo ông Phương, doanh nghiệp làm hàng gỗ xuất khẩu đang gặp thách thức lớn vì giá cước vận tải biển liên tục tăng.

Đơn cử như giá cước xuất khẩu từ TP.HCM đến cảng Los Angeles (Mỹ) đối với container 20 feet vào tháng 1/2024 có giá là 2.500USD, nhưng đến tháng 6/2024 đã tăng lên 5.900USD. Container loại 40feet vào tháng 1/2024 có giá 3.500USD nhưng đến tháng 6/2024 đã tăng lên 6.950USD, tức tăng gần gấp đôi.

Nguyên nhân khiến giá cước vận tải biển tăng theo ông Phương là do chiến sự ở Biển Đỏ buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình, gây ra tắc nghẽn ở Singapore và các cảng phụ cận trong khu vực Đông Nam Á.

Thời gian chờ lấy hàng kéo dài gấp ba lần thông thường gây ra tình trạng thiếu tàu, container nằm ở bãi lâu hơn, các hãng vận chuyển rút tàu tạo ra khan hiếm giả.

Ngoài ra còn có nguyên nhân là do Mỹ dự kiến đánh thuế đối với hàng hoá Trung Quốc như pin, xe điện, vật tư y tế, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh việc bàn giao hàng trước tháng 8/2024 hoặc đặt chỗ trước với giá cao nên đã đẩy giá vận chuyển tăng lên.

Giá cước vận chuyển tăng cũng khiến nhà nhập khẩu chậm lấy hàng hoặc lấy cầm chừng khiến các doanh nghiệp sản xuất bị tồn kho. Trong khi, các doanh nghiệp sản xuất không có kho để hàng, ít vốn nên rơi vào tình trạng vừa làm, vừa ngóng.

Còn đại diện doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nha đam và thạch dừa lớn nhất Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm G.C (GCFood) cho biết, giá cước vận tải biển tăng đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý III/2024, các tuyến tàu từ Việt Nam đến những thị trường xuất khẩu chủ lực của GCFood như Nhật Bản, Hàn Quốc tuy cước chưa tăng nhiều nhưng mật độ tàu trung bình đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các khách hàng của GCFood tại Hàn Quốc, Đài Loan mua sản phẩm nha đam, thạch dừa về sản xuất nước giải khát rồi xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, đang phải điều chỉnh kế hoạch đặt hàng, xin nhận hàng chậm hơn kế hoạch hoặc đòi giảm giá.

Trước thực trạng đó, GCFood đang xem xét hỗ trợ chi phí tồn kho, hỗ trợ giá cho khách hàng để cùng vượt qua giai đoạn này.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, mặt hàng thuỷ hải sản xuất khẩu đang “khó chồng khó”.

“Chi phí vận chuyển tăng là một chuyện, ngoài ra còn nhiều hệ luỵ khác và chưa biết tình trạng này kéo dài bao lâu, trong khi thuỷ sản là ngành hàng chủ yếu là đông lạnh”, ông Nam nói tại buổi thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu được tổ chức mới đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
25.00 +1.50 (+6.38%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả