Định giá hấp dẫn kèm tiềm năng tăng trưởng, giới đầu tư chứng khoán đứng trước nhiều cơ hội lớn
Trong bối cảnh hàng loạt ngành đang ở mức định giá hấp dẫn cho đầu tư trung dài hạn và sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2025, các chuyên gia dự báo rằng, giới đầu tư chứng khoán đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tìm kiếm lợi nhuận.
Các chuyên gia chia sẻ về hiện trạng và triển vọng ngành tại buổi hội thảo "VPBankS: Vững vàng trước sóng gió"
Theo ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, VPBankS Research, đến hiện tại VN-Index tăng trưởng khoảng 12%, với 9/16 ngành cấp 2 có P/E dưới bình quân 8 năm, 14/16 ngành cấp 2 có P/B dưới bình quân 8 năm, 5 - 6 ngành sở hữu P/E và P/B sát mức 8 năm vừa qua, cho thấy định giá hầu hết các ngành nghề đều đang hấp dẫn cho trung dài hạn.
Sẽ có một nửa trên tổng số 18 ngành được dự báo khả quan trong năm 2024, ghi nhận tăng trưởng dương và thậm chí từ 2 con số trở lên so với năm 2023. Nhìn về năm 2025, hầu hết những rủi ro đến từ thị trường quốc tế, trong khi động lực đến từ nội tại trong nước và tạo nhiều cơ hội.
Ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, VPBankS Research (bên phải)
Ông Dương đưa ra 8 ngành nghề sở hữu nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2025, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân cư, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển.
Ngành được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong cả 2024 và 2025 là thép, với tốc độ lần lượt 91.6% và 44.1% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên kỳ vọng đà tăng trưởng lợi nhuận tiếp diễn nhờ giá thép đã giao dịch quanh vùng đáy, bên cạnh sản lượng tiêu thụ được hỗ trợ tại thị trường nội địa với các biện pháp bảo hộ ngành khả năng cao sẽ được áp dụng.
Các ngành ngân hàng, bất động sản cũng sẽ tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về quy mô lợi nhuận, sở hữu nhiều tiềm năng và thu hút nhiều sự chú ý.
Tổng hợp dự phóng ngành năm 2024 và 2025
“Đầu tư ngành ngân hàng hiện tại là khôn ngoan”
Theo ông Dương, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 có thể đạt 17.7%. Giả định GDP đạt 6.5%, tăng trưởng tín dụng đạt 15.03% với nhu cầu từ khách hàng cá nhân quay trở lại, tích cực giải ngân đầu tư công và động lực tín dụng tăng trưởng tốt hơn từ khối khách hàng FDI, tương ứng với tỷ lệ tín dụng/GDP đạt 146%.
Tuy nhiên, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) giảm nhẹ 2 điểm cơ bản so với năm 2024 ở mức 3.54%, do môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn và NPL (nợ xấu) đi ngang.
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, không chỉ trong 2025 mà còn hướng đến 2030, khi Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, lúc đó ngành ngân hàng nhận trọng trách cung ứng vốn rất lớn cho nền kinh tế.
Về chất lượng tín dụng thời gian qua, nếu tách 5 ngân hàng bị giám sát đặc biệt thì nợ xấu nội bảng khoảng 1.96%, cộng thêm nợ VAMC, nợ tiềm ẩn rủi ro thì ở mức 3.28%. Do đó, chất lượng tín dụng đang khá tốt, tạo nền tảng tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2025.
Các ngân hàng không chỉ hướng đến cải thiện NIM, mà trong những năm qua còn đẩy nhanh số hóa, đưa CIR về mức thấp, qua đó cũng góp phần cải thiện NIM. Trong thời gian tới, xu hướng là ngân hàng đi nhanh vào công nghệ số, đồng nghĩa với việc ngân hàng nào chuyển sang ngân hàng số nhanh sẽ có sự hấp dẫn.
Ông Tú Anh cho rằng, cổ phiếu ngân hàng luôn hấp dẫn kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập, đồng thời bày tỏ quan điểm về việc đầu tư ngành ngân hàng hiện tại là khôn ngoan, trước khi có bùng nổ.
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế Ban Kinh tế Trung ương
Bất động sản hướng đến tăng trưởng đồng đều hơn
Theo ông Dương, ngành bất động sản được dự báo trưởng trong năm 2025, trong đó nhóm khu công nghiệp tăng 30.4% và nhóm dân tăng 4.1%.
Với bất động sản khu công nghiệp, sau năm 2024 tăng trưởng chậm lại, ông Dương dự báo năm 2025 sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng bùng nổ với động lực từ dòng vốn FDI, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch từ "Trung Quốc + 1" ngày càng rõ ràng hơn, bên cạnh nguồn cung mới được tháo gỡ pháp lý sau thời gian dài bị hạn chế.
Bất động sản dân cư có bước đầu phục hồi khi các loại hình đất nền và căn hộ nhà phố dần khởi sắc từ giữa năm 2024. Kỳ vọng 2025 sẽ có những sự khởi sắc rõ nét hơn nhờ môi trường lãi suất thấp khuyến khích người mua nhà, nguồn cung ở TPHCM dần sôi động và Nhà nước thí điểm một số phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư.
Ông Phạm Anh Khôi - Giám đốc Đầu tư Vinhomes cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn về cung lẫn cầu, đặc biệt là cầu khi lãi suất tăng cao. Sang năm 2024, những sự nghi ngờ được xóa bỏ, thị trường phục hồi nhưng không đồng đều, với sự nổi trội hơn tại khu vực phía Bắc. Nhìn về năm 2025, dự báo sự phục hồi đồng đều hơn, lan tỏa sang khu vực phía Nam.
Ông Khôi nhấn mạnh về nhu cầu nhà ở tại Việt Nam hiện tại lớn hơn rất nhiều so với khả năng đáp ứng của chủ đầu tư. Tuy vậy, trong quá trình thúc đẩy nguồn cung, các chủ đầu tư cũng cần quan tâm đến vấn đề chi phí.
Theo Giám đốc Đầu tư VHM, chi phí là một điểm mà nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa nhìn ra được. Cụ thể, chi phí xây dựng năm 2024 đã thấp hơn rất nhiều so với năm 2023, trong năm 2025 dự báo chi phí trên mỗi mét vuông sàn bán ra cũng thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh năm 2023 và 2024.
Ông Phạm Anh Khôi - Giám đốc Đầu tư Vinhomes
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường