Điểm danh loạt cổ phiếu phi như “tên lửa” từ đầu tháng 6
Có những cổ phiếu trước đó chưa từng phát sinh giao dịch mua bán, có cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu đồng loạt tăng sốc trong 3 tuần giao dịch của tháng 6...
Tiếp nối đà tăng của tháng 5, bước sang tháng 6, chỉ số VN-Index tiếp tục vượt mốc 1.380 điểm áp sát mục tiêu 1.400, song song với đà tăng này, nhiều cổ phiếu từ đầu tháng 6 đến nay đã tăng mạnh, cá biệt có những cổ phiếu tăng vài lần dù kinh doanh bết bát, thua lỗ...
Phiên giao dịch hôm nay (23/6), SUM của Công ty CP Đo Đạc và Khoán sản (UpCOM) chính thức đổ đèo sau 15 phiên trèo đèo không mệt mỏi. Thị giá hiện đang ở mức 24.000 đồng, tăng 6 lần kể từ đầu tháng 6 tới nay. Từ khi lên sàn từ tháng 1/2018, cổ phiếu này gần như "chết" thanh khoản cho đến những phiên gần đây mấp mé lên đến 4.000 - 5.000 cổ phiếu được mua bán.
Công ty CP Đo đạc và Khoáng sản có trụ sở tại Hà Nội, tiền thân là Liên đoàn Trắc địa địa hình thuộc Cục Địạ chất và Khoáng sản Việt Nam, được thành lập vào năm 1978. Đến tháng 4/2016, doanh nghiệp cổ phần hóa. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, quản lý đất đai, điều tra thăm dò địa chất khoáng sản…
Từ năm 2016, lợi nhuận ròng của SUM không quá 2 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 21%, đạt 49,5 tỷ đồng, thực hiện 110% kế hoạch. Giá vốn hàng bán tăng 25% lên 40 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21% về 19%. Tuy nhiên, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành giảm 64% còn 38 triệu đồng. Qua đó, lãi sau thuế đạt hơn 634 triệu đồng, tăng 57% so với năm trước, vượt 59% kế hoạch.
Nợ phải trả tăng 51% lên gần 60,4 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn (60 tỷ đồng). Khoản phải trả ngắn hạn cho các đội thi công gần 31,2 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 9,4 tỷ đồng, tăng 46%. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 39%. Năm 2021, SUM đặt chỉ tiêu doanh thu 50 tỷ đồng, tương đương năm trước và lãi sau thuế đạt 480 triệu đồng, thấp hơn 24% so với năm trước.
TÂN BINH BVL TĂNG SỐC SAU CHÀO SÀN
Cổ phiếu BVL của Công ty CP BV Land chào sàn UpCOM đầu tiên ngày 11/6 với 22 triệu cổ phiếu có giá tham chiếu 10.400 đồng/cổ phiếu. Sau hơn 10 ngày, tính đến phiên giao dịch hôm nay thị giá BVL tăng 4 lần lên đến 43.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản có phiên đột biến lên đến 60.000 cổ phiếu được sang tay, còn lại loanh quanh 2.000 - 3.000 cổ phiếu.
BV Land được thành lập năm 2008, ngành nghề chính ban đầu là nhà thầu xây dựng. Vốn điều lệ 220 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông cô đặc. Công ty mẹ là Tập đoàn Bách Việt nắm giữ 59,7% vốn, BV Asset sở hữu 19,2% cổ phần, còn lại là các cổ đông khác. Ông Tạ Hoài Hạnh - Chủ tịch BV Land cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Bách Việt và BV Asset. Năm 2020, doanh nghiệp được tái cơ cấu để trở thành đơn vị mũi nhọn chuyên triển khai các dự án bất động sản của công ty mẹ - Tập đoàn Bách Việt (BV Group).
Danh mục sản phẩm của BV Land gồm các dự án khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... hầu hết ở Bắc Giang, Việt Trì (Phú Thọ), Hà Nội và Đồng Nai.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, BV Land đang sở hữu chuỗi bán lẻ xe máy Head Honda và Thế giới xe Venus tại Đồng Nai thông qua công ty con là Donatraco từ năm 2018.
Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu đi ngang so với năm trước, ở mức 312 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,6 tỷ đồng, giảm 35%. Sự sụt giảm này được công ty giải thích đến từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 và tổng chi phí tăng hơn 26% so với năm 2019. HĐQT thông qua phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, BV Land đặt chỉ tiêu doanh thu 671,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 115% và 241% so với thực hiện năm trước.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu BMN của Công ty CP 715 tăng trần 7 phiên liên tiếp với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm cổ phiếu. Sau hơn 1 tuần giao dịch, cổ phiếu này đã tăng 3 lần lên mức giá 15.800 đồng/cổ phiếu và từ đó đến nay đứng giá, không có thêm bất kỳ giao dịch nào được phát sinh.
Công ty 715 tiền thân là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 được cổ phần hóa theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải từ năm 2014. Vốn điều lệ công ty là 27,5 tỷ đồng trong đó vốn nhà nước do Tổng công ty Cửu Long nắm giữ đến 75% và người lao động 25%. Tổng số lao động hiện nay của công ty là 144 người, trong đó 19 lãnh đạo còn lại là cán bộ công nhân viên.
Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là khai thác, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường bộ; sửa chữa, xây dựng công trình giao thông; quản lý cơ sở hạ tầng đường bộ; dịch vụ thu phí cầu đường… Trong năm 2020, doanh thu thuần đi ngang đạt gần 105 tỷ đồng; lãi sau thuế hơn 4,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%. Nguyên nhân do mức độ cạnh tranh trong đấu thầu để tìm được việc làm và trong quá trình thi công giá vật tư tăng đột biến dẫn đến tăng chi phí.
Năm 2021, BMN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 82 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 105 tỷ đồng của năm 2020.
VNA CỦA VẬN TẢI BIỂN VINASHIP
Cổ phiếu VNA của Công ty CP Vận tải biển Vinaship từ tháng 5 trở về tước giao dịch lình xình quanh mức giá 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng èo uôt với 200.000 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 đến nay VNA nhiều phiên tăng trần liên tiếp và đang được mua bán xung quanh mức giá 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp 3 lần. Thanh khoản mỗi phiên cũng khá hơn cá biệt có phiên lên đến 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Về tình hình kinh doanh của Vinaship, kể từ sau tết Âm lịch 2021, thị trường cước vận tải biển quốc tế và khu vực hồi phục mạnh, chỉ số cước tàu hàng khô tăng đột biến ở tất cả các phân khúc tàu, Vinaship báo lãi tăng đạt 3,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lãi chủ yếu do công ty ghi nhận thu nhập khác từ việc tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng.
Bước sang năm 2021, VNA kế hoạch doanh thu 550 tỷ đồng, lợi nhuận 15 tỷ đồng, doanh thu giảm so với năm 2020 nhưng lợi nhuận tăng mạnh. VNA lên kế hoạch thanh lý 2 con tàu trong năm 2021.
CÀNG LÀM CÀNG LỖ - VOS VẪN TRẦN 8 PHIÊN
Một cổ phiếu khác cũng trong lĩnh vực vận tải biển là VOS của Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE). Phiên giao dịch hôm nay 23/6 là phiên thứ 8 kịch trần của VOS với mức giá 7.360 đồng/cổ phiếu tăng gần 2 lần từ đầu tháng 6. Trước đó, VOS loanh quanh ở vùng gía 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng lưu ý, cổ phiếu VOS tăng trần trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại bết bát so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành. Trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành lần lượt khoe thành tích, VOS lỗ lại tiếp tục chồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/03/2021 lên gần 941 tỷ đồng. Con số lỗ quý 1/2021 là 19 tỷ đồng.
Năm 2021, VOS đưa ra một loạt phương án khắc phục lỗ như tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tình hình dịch bệnh Covid-19, quyết tâm áp dụng các giải pháp về thị trường, quản lý khai thác đội tàu và quản lý các chi phí để có thể cải thiện kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, VOS sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu tài chính, tổ chức và đội tàu…
Mới đây, 4 lãnh đạo của VOS bị phạt 70 triệu đồng do bán chui hàng triệu cổ phiếu mà không công bố thông tin giao dịch.
Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt các mã khác như IPA, SHN, SSG…cũng tăng sốc từ đầu tháng 6 đến nay. Điểm chung của những cổ phiếu này là hầu như không có giao dịch mua bán phát sinh gì từ trước tháng 6, tăng kịch trần những phiên gần đây dựa vào những câu chuyện bên lề được đồn thổi. Trong khi đó, những cổ phiếu vốn hoá lớn, blue-chips, midcap có tăng cũng chỉ vài phần trăm từ đầu tháng 6.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường