ĐHĐCĐ TCM: Dự kiến hạ mức cổ tức 2021 từ 25% xuống còn 15%
Sáng ngày 15/04, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận 2021.
Năm 2021, TCM ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với năm trước, đạt 3,535 tỷ đồng và lãi ròng giảm 48%, xuống còn 142.5 tỷ đồng. So với kế hoạch, TCM chỉ thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lãi sau thuế.
Theo ông Jung Sung Kwan - Tổng Giám đốc (TGĐ) TCM, lợi nhuận cả năm 2021 chủ yếu đến từ 6 tháng đầu năm, trong khi nửa cuối năm hòa vốn. Riêng quý 3, Công ty bị lỗ do chi phí tăng cao từ việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Đồng thời, chi phí vận chuyển, thuê container xuất khẩu tăng phi mã cũng ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh của Công ty. Trong quý 4, Công ty bắt đầu hồi phục sản xuất nhưng chưa hiệu quả, chi phí logistics tiếp tục tăng đồng thời giá bán chưa tăng kịp nên biên lợi nhuận mảng may giảm mạnh, dẫn đến lợi nhuận cả năm hoàn thành không như kế hoạch.
Chia sẻ về nhà máy may 2 tại Vĩnh Long, vị TGĐ cho hay: "Tháng 5/2021, Công ty đã khởi công xây dựng nhà máy với diện tích 3.2 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm chi phí thuê đất). Nhà máy có công suất 9 triệu sản phẩm/năm, hiện đã và đang lắp đặt máy móc thiết bị và dần đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022".
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch đem về 4,183 tỷ đồng doanh thu và 253.8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước.
Tình hình kinh doanh của TCM qua các năm và kế hoạch 2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
TCM cho biết so với năm 2021, 2022 được dự báo là năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc tiêm vaccine đầy đủ.
Để hiện thực hóa mục tiêu cho năm 2022, TCM dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại KCN Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long với 1,500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm, sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, Công ty vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược sản xuất nhanh hơn, với chí phí thấp hơn, nghiên cứu phát triển (R&BD) cùng với phát triển bền vững (ESG) trong những năm tiếp theo để mở rộng thị trường và khách hàng.
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, TCM sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường thông qua Bộ phận R&BD.
Về mảng bất động sản, Công ty đang ưu tiên tập trung nguồn lực và phối hợp cùng đối tác để hoàn thành hồ sơ pháp lý, xin giấy phép xây dựng trong thời gian nhanh nhất cho dự án TC1 tại số 37 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM nhằm gia tăng lợi nhuận cho Công ty trong những năm tiếp theo.
Giảm mức cổ tức 2021 từ 25% xuống còn 15%
Tại Đại hội, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông kế hoạch điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận 2021 từ mức 25% xuống còn 15%.
TCM cho biết căn cứ tình hình kinh doanh 2021, do sự ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 và thời gian làm việc “3 tại chỗ” kéo dài, tốn kém nhiều chi phí dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2021 không đạt mục tiêu đã đề ra, HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận, điều chỉnh cổ tức xuống mức 15%.
Cụ thể, TCM sẽ phát hành gần 10.7 triệu cp thưởng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn trích từ quỹ đầu tư phát triển. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu sẽ tăng từ gần 714 tỷ đồng lên hơn 820 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu, tùy theo tình hình kinh doanh của Công ty.
… Tiếp tục cập nhật
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận