ĐHĐCĐ PSH: Kế hoạch tăng mạnh lợi nhuận, chào bán 130 triệu cp
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 29/05, HĐQT CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) đặt ra mục tiêu đưa Doanh nghiệp về giai đoạn hoàng kim, với mục tiêu lợi nhuận gấp gần 7 lần thực hiện năm trước.
Cụ thể, PSH công bố kế hoạch doanh thu 2024 đạt gần 14.6 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm trước; kế hoạch lãi sau thuế được thông qua là gần 328 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ. Nếu thành công, ROE tăng từ 2.98% lên gần 13%.
Ngoài ra, ông lớn xăng dầu miền Tây đặt chỉ tiêu tăng vốn chủ sở hữu cùng vốn điều lệ lên gần 2.6 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 63% và 103% so với cùng kỳ.
Nguồn: PSH
Để đạt được mục tiêu, PSH cho biết sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường để tăng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, sẽ thực hiện tiết kiệm chi phí, rà soát từng khoản mục, quản trị chi phí theo từng phương thức bán hàng (bán lẻ, bán buôn, đại lý, tổng đại lý) nhằm tối ưu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp sẽ theo dõi sát chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước để lựa chọn nhà cung cấp, hạn chế ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Ngoài ra, chủ động xây dựng phương án sử dụng có hiệu quả vốn từ nguồn tăng thêm.
Kết quả các năm và kế hoạch 2024 của PSH
Nguồn: VietstockFinance
Đáng chú ý, ĐHĐCĐ đã thông qua việc bầu bổ sung ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027. Được biết, ông Ranjit là người Úc gốc Sri Lanka, hiện cũng đang là Chủ tịch kiêm CEO của Acuity Funding. Trước đại hội, ông cũng được bổ nhiệm vào vị trí CEO của PSH.
Thành viên HĐQT mới của PSH, ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah - Chủ tịch Quỹ Acuity Funding. Ảnh chụp màn hình
Acuity Funding chính là đơn vị đã cam kết tài trợ tín dụng tới 720 triệu USD để đầu tư vào loạt dự án của PSH, đồng thời cấp vốn để PSH đầu tư cũng như giải quyết nợ nần – gồm nợ vay, nợ trái phiếu, và nợ thuế. Gần nhất vào ngày 23/04, HĐQT PSH thông qua nghị quyết chấp thuận khoản vay 290 triệu USD từ “đại gia nước Úc” để giải quyết các vấn đề nêu trên. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý 2/2024.
Bên cạnh đó, thông qua việc miễn nhiệm bà Lưu Thị Tuyết Vân – Trưởng BKS theo đơn từ nhiệm cá nhân, và bầu bổ sung bà Phạm Ngọc Thùy vào ban kiểm soát của Công ty. Bà Thùy hiện cũng đang nắm giữ chức Phó Giám đốc tại Acuity Funding.
Về kế hoạch thù lao, đại hội thông qua mức 672 triệu đồng cho HĐQT và BKS. Cụ thể được nêu trong bảng dưới đây.
Kế hoạch chi trả thù lao của PSH năm 2024
Nguồn: PSH
Chào bán 130 triệu cp, Chủ tịch sẽ mua trên 10%
Tại đại hội, PSH trình và được thông qua phương án chào bán riêng lẻ 130 triệu cp để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ số cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc chào bán. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 và quý 1/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được hồ sơ đăng ký.
Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của Doanh nghiệp sẽ được nâng lên hơn gần 2.6 ngàn tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được (dự kiến 1,300 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phương án giải ngân từ Acuity Funding
Chia sẻ về tình hình nợ vay ngân hàng và trả nợ thuế, Chủ tịch Mai Văn Huy cho biết gói tài trợ từ Acuity Funding gồm 720 triệu USD, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm 290 triệu USD, dành cho trả nợ thuế, nợ trái phiếu và nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Huy cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho lấy khoản vay từ nước ngoài để trả nợ trong nước, theo quy định từ Thông tư 08.
Ảnh chụp màn hình
“NHNN chỉ chấp thuận cho PSH 2 việc: Chuyển gói vay 20 năm thành ngắn hạn với 2 khoản là nợ thuế 25 triệu USD và trả nợ trái phiếu 9 triệu USD, còn lại vẫn chuyển sang vay dài hạn để đầu tư kho cảng và vốn nhập khẩu xăng dầu, lấy lợi nhuận đó để tiếp tục trả nợ cho ngân hàng” – Chủ tịch PSH tiết lộ.
Chính vì điều này, quá trình giải ngân của Acuity Funding gặp trục trặc. Vì NHNN không đồng ý, 2 ngân hàng thương mại cũng không đồng tình để chuyển tài sản của PSH sang thế chấp cho đối tác.
“Đến nay, chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận là có khả năng sẽ đem tiền mặt về làm tiền gửi tại ngân hàng, để tạo ra hợp đồng 3 bên giao tài sản cho PSH thế chấp với đối tác nước ngoài” – ông Huy nói thêm.
Kinh doanh bất động sản ngành đặc biệt, tài sản được định giá 18,000 tỷ
Trước câu hỏi về dự định kinh doanh bất động sản, ông Huy khẳng định PSH không kinh doanh mảng này, đặc biệt là với mảng xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, ông tiết lộ PSH có kinh doanh bất động sản ngành nghề đặc biệt, mà theo ông là “cả thế giới đang thực hiện”.
“Chúng tôi đầu tư vào các bất động sản như nhà máy lọc dầu, khu cảng phát triển xăng dầu, cảng phát triển hàng hóa khô… cùng những khu vui chơi, du lịch để đưa tầm quan trọng của Doanh nghiệp lên bước mới. Dù chưa công bố, nhưng được sự đánh giá của các tổ chức quốc tế (Úc, Singapore…) và một số hãng xăng dầu thế giới như Total, Mobi, nhiều bên cũng muốn đến Việt Nam đầu tư cùng” – ông Huy cho biết.
“PSH đang thiếu nợ 4,000 tỷ với 2 ngân hàng, thiếu nợ trái phiếu 700 tỷ. Tuy nhiên, tài sản của PSH được Total và Acuity Funding đánh giá lên tới 18,000 tỷ. Đây là khoản lợi nhuận nằm trong mảng đầu tư bất động sản ngành nghề đặc biệt, mang lợi tức lớn với PSH”.
Bên cạnh đó, ông Huy chia sẻ PSH hiện có 5 dự án lớn, đã được Chính phủ cấp phép, thuộc chương trình an ninh năng lượng quốc gia. Dự án lớn nhất là ở Gò Công (Tiền Giang), cách TP.HCM 36km. Một dự án đất sản xuất kinh doanh (kho cảng và nhà máy lọc dầu) đã làm xong thủ tục, sở hữu 50ha đất.
“Vốn dự kiến ban đầu của dự án là 4,000 tỷ đồng. Nhưng thực chất, mảnh đất thôi cũng có bên trả 7,000 tỷ đồng, vì không có vị trí nào chiến lược hơn như thế lại được Chính phủ quy hoạch vào chương trình” – trích lời ông Huy.
Một dự án khác là Mái Dầm, được Chính phủ quy hoạch là điểm cấp phát hàng hóa phục vụ nông nghiệp cho ĐBSCL, đã được thực hiện 90%.
“Chậm tiến độ chỉ là do chưa mua được thiết bị do EU ngưng sản xuất. Nếu hoàn thành, cảng 15,000 tấn, kho 75,000 tấn, cùng nhà máy 300,000 tấn xăng dầu tại Mái Dầm sẽ đi vào hoạt động. Mỗi năm, địa điểm này sẽ mang lại cho ngân sách 1,000 – 1,500 tỷ đồng tiền thuế”.
Đối với mảng nông nghiệp, ông Huy nhận định tình hình có phần khó khăn vì dự đoán hạn hán kéo dài, nên chưa có định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, PSH đã phát triển thành công giống lúa của Nhật Bản, nên hiện tại đang giao đất cho một số nhà xuất khẩu.
“Chủ yếu để học kinh nghiệm, và đến 2025 dự định không cho thuê nữa, lấy về để sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, PSH đã bàn với Acuity Funding để vay vốn, phát triển cửa hàng vừa xăng dầu, vừa lương thực, dự kiến mở 300 cửa hàng từ mũi Cà Mau đến Đắk Nông” – trích lời ông Huy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận