ĐHCĐ Vinafor (VIF): Cổ đông quan tâm tới khoản tiền nhàn rỗi hơn 2.600 tỷ đồng gửi ngân hàng
Tại ĐHCĐ thường niên 2020 sáng 29/6, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor - mã chứng khoán: VIF) Phí Mạnh Cường khẳng định, Tổng công ty chỉ lựa chọn dự án hiệu quả, đảm bảo an toàn cho cổ đông.
Chia sẻ của ông Cường liên quan đến câu hỏi của cổ đông về khoản tiền nhàn rỗi hơn 2.600 tỷ đồng đang gửi ngân hàng.
Theo BCTC năm 2020, Vinafor có đầu tư tài chính ngắn hạn 2.637 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng.
Ý kiến cổ đông đề nghị Ban lãnh đạo cho biết, khoản tiền gửi ngắn hạn này được gửi ở các ngân hàng nào, lãi suất ra sao. Thời gian tới, Công ty có kế hoạch đầu tư để nâng cao hiệu quả nguồn vốn?
Trao đổi với cổ đông, ông Phí Mạnh Cường cho biết tiền nhàn rỗi chưa đầu tư thì trước mắt Công ty gửi ngân hàng. Khoản tiền gửi này có thời hạn 9 - 12 tháng, là đầu tư tài chính ngắn hạn, không phải tiền gửi không kỳ hạn hay tiền gửi dưới 3 tháng.
Để gửi tiền, Vinafor xây dựng một bộ tiêu chí ngân hàng và toàn bộ đấu giá tiền gửi nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn. Nếu chỉ lựa chọn các ngân hàng lãi suất cao thì chưa chắc đã an toàn, do đó phải có tiêu chí lựa chọn ngân hàng, ngân hàng tài chính lành mạnh, lãi suất cao. Các ngân hàng mà Vinafor gửi tiền cơ bản là ngân hàng thương mại cổ phần, cũng có cả ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Theo lãnh đạo Vinafor, nhiều ngân hàng mời Tổng công ty đầu tư vào các chứng chỉ, sản phẩm khác, nhưng Vinafor lựa chọn phương án tiền gửi cho an toàn.
Đối với việc đầu tư, ông Phí Mạnh Cường nhấn mạnh, Vinafor rất thận trọng trong việc đầu tư.
“Đầu tư phải có lộ trình, không đầu tư ồ ạt, như vậy rất nguy hiểm. Nếu đầu tư rồi không thu hồi được thì mất vốn của cổ đông. Do đó, chúng tôi phải lựa chọn các dự án có hiệu quả”, ông Cường nói.
Hiện, Vinafor đang đầu tư hơn 100 tỷ đồng/năm vào trồng rừng năng suất cao đem lại lợi nhuận chắc chắn dù không cao.
Vinafor cổ phần hóa năm 2016, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ... Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn T&T của bầu Hiển.
Vinafor vừa niêm yết cổ phiếu trên HNX vào tháng 2/2020 với mã chứng khoán VIF. Hiện cổ phiếu này đang dao động quanh mức giá 17.000 đồng với thanh khoản thấp.
Năm 2019, Vinafor đạt doanh thu 1.483 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 734 tỷ đồng, trả cổ tức 18%.
Năm 2020, Vinafor đặt mục tiêu doanh thu 975 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, chia cổ tức 8%. Tổng công ty sẽ trồng mới và bảo vệ rừng tái sinh 2.472 ha, khai thác gỗ rừng là 2.569 ha.
Vinafor tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm giống để đảm bảo cung ứng cây giống có chất lượng cao cho công tác trồng rừng, đẩy mạnh đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh cao, kết hợp quản lý sử dụng đất rừng theo hướng kết hợp đa mục đích nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Từ sau cổ phần hóa, Vinafor liên tiếp tái cơ cấu đầu tư vào các công ty lâm nghiệp tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Cà Mau... với định hướng thoái vốn đối với các đơn vị có hoạt động sản xuất thua lỗ, kém hiệu quả, chỉ giữ lại các khoản đầu tư có lãi.
Năm 2020, Vinafor nỗ lực hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc, lập hồ sơ thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, bàn giao đất không có nhu cầu sử dụng về địa phương
Theo chiến lược phát triển 2020 – 2035, dự kiến Vinafor nâng vốn điều lệ gấp đôi lên 7.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 20.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận