24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thiên Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHCĐ FPT: Kế hoạch quý II giảm 15% so với ban đầu, lãnh đạo tự tin về cơ hội trong và sau dịch

Lãnh đạo FPT cho biết quý I/2020, tập đoàn vẫn ghi nhận doanh thu tăng 16%, lợi nhuận tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với quý II, dự kiến tập đoàn sẽ điều chỉnh giảm 15% kế hoạch kinh doanh so với mức đề ra ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo FPT rất tự tin vào triển vọng nắm bắt được các cơ hội mới trong và sau dịch bởi "hơn lúc nào hết, chuyển đổi số hay là chết".

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến diễn ra ngày 8/4, lãnh đạo FPT cho biết năm 2020, kế hoạch kinh doanh được phê duyệt ban đầu là doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khoảng 17 - 18%.

Lãnh đạo FPT cho hay trong bối cảnh dịch bệnh, khả năng điều chỉnh kế hoạch là rất cao nhưng rất khó để điều chỉnh kế hoạch cả năm. Tập đoàn này đang đặt ra các kịch bản kinh doanh khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh mà ứng phó.

Phía FPT cho biết dự kiến kế hoạch kinh doanh quý II/2020 sẽ giảm khoảng 15% so với kế hoạch ban đầu. Hiện tại, tập đoàn đang đưa ra kế hoạch kinh doanh theo từng quý và bám sát.

Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên hoạt động kinh doanh của tập đoàn, đại diện FPT cho biết tất cả các lĩnh vực của FPT đều bị ảnh hưởng nhưng lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất là quảng cáo online do sự cắt giảm ngân sách marketing của các doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh dự kiến quý I/2020 của FPT vẫn khả quan với doanh thu tăng trưởng 16%, lợi nhuận tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Quý II có một chút ảnh hưởng, trong đó có mảng nước ngoài nhưng mức độ chưa cao do tập đoàn vẫn có hợp đồng đã ký từ trước với khách hàng và đang triển khai. "Dự kiến doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng một chút so với cùng kỳ", lãnh đạo FPT tiết lộ.

Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh nhưng ban lãnh đạo FPT vẫn rất tự tin vào triển vọng nắm bắt được các cơ hội mới trong và sau dịch.

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nhìn nhận dịch bệnh đang mở ra rất nhiều cơ hội cho FPT như thay đổi hành vi khách hàng, khiến doanh nghiệp phải suy nghĩ công nghệ thông tin đóng vai trò gì. Nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc lại việc đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

"Trước đây chúng tôi cung cấp sản phẩm một lần nhưng hiện chúng tôi đầu tư dạng cho thuê nên có thể tiếp cận đến đông đảo doanh nghiệp. Trước đây là đấu thầu, làm phần mềm họ yêu cầu. Nay chúng tôi làm sẵn và cho thuê, có thể chuyển giao trong nửa ngày. Cơ hội với FPT rất lớn. Sau đại dịch sẽ có rất nhiều dịch vụ mới được sinh ra và chúng tôi chắc chắn sẽ nắm bắt được cơ hội này", Tổng giám đốc FPT nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng tiết lộ hiện nay FPT đang có một lực lượng chuyên đi tìm người giỏi trong lĩnh vực IT trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều công ty khó khăn.

Lãnh đạo FPT cũng chia sẻ ngay ngày đi làm đầu tiên, FPT đã có chỉ thị về chống nCoV. Trong đó, quyết định cắt giảm chi phí sản xuất, đầu tư ngắn hạn, chi phí không trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Ngược lại, các hoạt động tạo ra doanh thu thì lại "bơm tiền" rất mạnh.

"Hiện nay giá của FPT đang tiệm cận giá các đối thủ cạnh tranh khác, việc cắt giảm chi phí sẽ giúp tăng cạnh tranh trong bối cảnh dịch bệnh", lãnh đạo FPT cho hay.

Một lãnh đạo khác thì khẳng định FPT "trông đợi vào cơ hội nhiều hơn là suy nghĩ về ảnh hưởng xấu".

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết trong thời kỳ khủng hoảng, khó khăn, tất cả doanh nghiệp trên thế giới đều phải cân nhắc xem họ nằm trong diện cắt giảm hay trong diện tiếp tục phải duy trì. Nếu tiếp tục duy trì thì tiếp đó phải xem xét lại các đối tác có đảm bảo việc giao sản phẩm, dịch vụ đúng hạn, đúng chất lượng hay không.

Cụ thể tại Nhật, hiện nay Nhật đang bước vào giai đoạn xem xét lại các đối tác và chọn phương châm đầu tiên là cắt giảm chi phí. Họ phải cân nhắc xem nếu giao cho công ty phần mềm của họ hoặc freelancer thì giá sẽ thế nào và chất lượng ra sao.

Ông Trương Gia Bình cho hay FPT đang mong muốn nằm trong chương trình của họ và thực tế đang thuận lợi.

"Những hợp đồng Mega deal (hợp đồng siêu lớn - PV) vẫn tiếp tục được giao cho FPT. Có những hợp đồng khác hẳn ngày trước. Ngày trước giao cho rất nhiều công ty nhỏ thì giờ họ lại giao cho FPT làm "tổng thầu", phải đảm bảo cung cấp dịch vụ đúng thời hạn, đúng chất lượng. Đây là cơ hội mới cần phải khai thác", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

"Trong Covid chúng ta càng có nhiều cơ hội lớn hơn bởi hơn lúc nào hết, chuyển đổi số hay là chết", ông Trương Gia Bình tự tin.

Liên quan đến việc tăng sở hữu tại FPT Telecom, lãnh đạo FPT thông tin rằng trong tương lai gần, SCIC chưa có chủ trương thoái vốn, do đó cơ hội chưa có dù FPT từ lâu đã mong muốn tăng cổ phần tại FPT Telecom.

Đối với chi phí nhân sự, đại diện FPT cho biết hiện chi phí kỹ sư của Việt Nam so với Ấn Độ thấp hơn từ 10-25% tùy từng cấp độ kỹ sư khác nhau. Tuy nhiên khó khăn ngắn hạn là mức độ lạm phát tiền lương kỹ sư phần mềm khá lớn, dù vậy cũng phản ánh xu hướng phát triển của ngành này. Nếu nguồn cung được gia tăng nhanh từ phía đại học thì sẽ làm giảm tốc độ lạm phát tiền lương trong ngành.

Với mảng giáo dục, năm 2019, FPT đầu tư khoảng 500 tỷ, chủ yếu phát triển cơ sở mới tại TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Dự kiến năm 2020 cũng sẽ đầu tư khoảng 500-700 tỷ nữa. Tỷ suất sinh lời mảng giáo dục tương đương mức sinh lời bình quân toàn tập đoàn.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đại hội đều được thông qua, bao gồm kế hoạch kinh doanh, tổng đầu tư, chính sách chi trả cổ tức cũng như các chương trình phát hành ESOP.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
133.90 +0.90 (+0.68%)
27.70 -0.35 (-1.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả