ĐHCĐ CII: Giảm cổ tức 2019, phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Tại ĐHCĐ CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) diễn ra sáng nay (2/6), lãnh đạo CII cho biết, năm 2020, bất động sản là mảng đóng góp lợi nhuận chính cho công ty, chủ yếu đến từ các dự án của NBB và dự án 152 Điện Biên Phủ, mảng nước không lỗ và mảng cầu đường đóng góp khoảng 300 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc "hơi lo lắng" cho kế hoạch 2020, nhưng vẫn tự tin đạt được
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 19%, tổng tài sản 2019 tăng gần 10.000 tỷ đồng, đạt 23.900 tỷ đồng.
Chưa năm nào giá trị tổng tài sản CII tăng đột biến như vậy, trong đó, chủ yếu từ M&A Năm Bảy Bảyy (NBB), đầu tư vào công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Và từ việc tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 625 tỷ đồng.
Mảng bất động sản đã đóng góp tỷ trọng lớn trong 2018-2019 trong doanh thu, lợi nhuận của CII, và dự kiến năm 2020 cũng như vậy. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, CII gặp 2 vấn đề về dự án ở Thủ Thiêm là vấn đề pháp lý dự án, và phần đất xen cài được xem là đất công không có hướng giải quyết.
Còn với mảng hạ tầng nước, dù đã hoạt động được 4-5 năm, nhưng chi phí đầu tư rất lớn nên chưa đi vào điểm hoài vốn.
Theo ông Bình, năm 2020, công ty có 3 chuyện lớn phải làm.
Thứ nhất, thu phí tuyến Xa Lộ Hà Nội. Theo thông báo từ UBND TP HCM, từ 31/12/2019, đồng ý cho CII thu phí, giao các sở ngành kiểm tra để xác định giá thu phí và kế hoạch thu phí. Đến ngày 20/2/2020, các sở ngành phải trình UBND TP. Nhưng, cho đến tuần trước, CII mới lấy được phê chuẩn của các sở ngành.
“5 tháng trời để đeo bám để lấy được quyết định về thẩm định giá thu phí’, ông Bình nói.
Vẫn còn một số công đoạn tiếp theo mà CII phải đeo bám, và trong kỳ vọng sớm nhất của CII là 1/8 sẽ được tiến hành thu phí Xa Lộ Hà Nội.
“Quá xấu hổ khi trả lời cổ đông về các mốc thời gian”, ông Bình chia sẻ.
Thứ hai, đưa dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về đích vào cuối năm nay. Bắt đầu từ quý 2/2020 khai thác hoàn vốn.
Thứ ba, với mảng bất động sản, phải khai thác cho được quỹ đất của NBB, và Thủ Thiêm, tạo tiền đề hạch tóan và phân bổ lợi nhuận trong năm 2021.
Ngoài ra, hoạt động vốn sẽ tập trung vào các thương vụ lớn. Đầu năm 2020 đến nay, CII đã làm 2 deal lớn, giá trị 2.500 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Năm 2020, CII còn 3 thương vụ huy động vốn nữa, gồm thương vụ 1.600 tỷ đồng, thương vụ 800 tỷ đồng và thương vụ 1.200 tỷ đồng.
Năm 2020, trong kịch bản thận trọng, đặt mục tiêu doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lợi nhuận ròng 808 tỷ đồng, kịch bản khả quan thì doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận có thể đạt 1.608 tỷ đồng. Sự chênh lệch này chủ yếu do tác động bởi tiến độ phê duyệt thủ tục pháp lý từ các cơ quan chức năng.
Ông Bình cho biết, kế hoạch này xây dựng cuối năm 2019, kỳ vọng 5 tháng đầu năm sẽ thực hiện nhiều hồ sơ pháp lý. Thực tế, do Covid, gần như giải quyết hồ sơ pháp lý chưa có gì nhiều.
“Từ ĐHCD năm ngoái đến nay, cái gì hứa với cổ đông về hồ sơ pháp lý cần hoàn thành thì chưa hoàn thành được cái gì. Tôi cũng bắt đầu lo lắng với kế hoạch”, ông Bình báo cáo. Dù vậy, vẫn tin tưởng đạt được kế hoạch trình cổ đông.
Tiếp tục trình kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu quy mô lớn
Với nhu cầu cần một phương án huy động vốn mới hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và phù hợp với lợi ích cổ đông, cũng như nhu cầu vốn cho các dự án dở dang của Công ty, HĐQT CII có tờ trình phát hành riêng lẻ trái phiếu kèm chứng quyền.
CII cho biết, thời gian qua, Công ty đã thực hiện đàm phán bước đầu với nhà đầu tư về việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền do CII phát hành và được cấp quyền mua tối đa 62 triệu cổ phiếu CII.
Trái phiếu sẽ được phát hành thành 2 đợt, đợt 1 chào bán rộng rãi trái phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 200:1 (cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu CII được quyền mua 1 trái phiếu). Số lượng trái phiếu dự kiến phá hành 1,24 triệu trái phiếu. Tổng giá trị phát hành 1.239,2 tỷ đồng.
Nếu tổng giá trị chào bán đợt 1 không đạt 800 tỷ đồng thì CII sẽ tiến hành phát hành đợt 2 là chào bán riêng lẻ 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho NĐT, thông qua đại lý phát hành. Đối tượng phát hành là quỹ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược…Kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất dự kiến 11%/năm.
Kế hoạch nguồn để thanh toán lãi, gốc trái phiếu lấy từ nguồn tiền mặt và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của CII.
Đồng thời, CII sẽ phát hành tối đa 160 triệu cổ phiếu ra công chúng, giá 10.000 đồng/CP nhằm dự phòng nguồn trả nợ.
Theo điều kiện và điều khoản của chứng quyền, mỗi trái phiếu được nhận một chứng quyền, một chứng quyền được mua 38,75 cổ phần CII với giá mua cổ phần khi thực hiện chứng quyền theo công thức định sẵn.
Đáng chú ý hơn, CII có tờ trình mua thêm tối đa 53 triệu cổ phiếu quỹ để làm nguồn cổ phiếu cho trái chủ thực hiện quyền.
Cụ thể, CII cho rằng, nguyên nhân là do dịch covid đã tác động đến toàn thị trường, qua đó cổ phiếu CII cũng chịu đà giảm sâu về mức 19.500 đồng/CP những ngày cuối tháng 4/2020. Theo CII, mức giá này đang bị định giá thấp mà không dựa trên hoạt động kinh doanh của Công ty, dù Covid không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh cốt lõi của CII.
Hiện tại, CII đã hoàn thành việc mua lại 9 triệu cổ phiếu quỹ vào đầu tháng 5/2020 và Công ty sẽ cần bổ sung thêm 53 triệu cổ phiếu để hoàn tất kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.
Về phương án mua tối đa 53 triệu cổ phiếu quỹ này, HĐQT CII đề nghị thời gian thực hiện là trong 5 năm tới và phương thức giao dịch là khớp lệnh trên thị trường. Nếu tính với giá cổ phiếu hiện nay là 19.450 đồng/CP, ước tính CII cần chi khoảng 1.030 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu quỹ này.
Thảo luận tại Đại hội, ông Bình trả lời một số câu hỏi từ cổ đông
CII thường huy động vốn bằng phát hành trái phiếu đổi và đã thực hiện nhiều lần, nhưng năm nay có phương án chuyển đổi kèm chứng quyền, vì sao? Có sự khác nhau gì về hai phương án?
Theo quan điểm cá nhân tôi là phát trái phiếu chuyển đổi vì sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, thì trên HOSE chưa có giao dịch trái phiếu kèm chứng quyền - tức sẽ có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân vì tính thanh khoản không có. Còn với nhà đầu tư tổ chức, thường giao dịch lô lớn thông qua thoả thuận sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo đó, tôi cũng là một cổ đông của CII và có kiến nghị, nên thay đổi phần phát hành cho cổ đông hiện hữu thành Trái phiếu chuyển đổi.
Còn phần phát hành cho tổ chức thì phát hành kèm chứng quyền, vì họ là nhà đầu tư tài chính, họ muốn tách rõ ràng là trái phiếu và chứng quyền để họ muốn giao dịch phần nào thì họ giao dịch.
Trong nghị quyết ĐHCĐ diễn ra hôm 27/3/2020, có nội dung chia cổ tức 32%, trong đó có 16% bằng tiền mặt là của 2 năm 2018-2019. Nhưng trong tờ trình lần này, cổ tức năm 2019 chỉ còn 12%, cụ thể thế nào?
Cổ tức thực hiện chi trả dựa trên kết quả kinh doanh của Công ty. Nhưng số liệu trước kiểm toán và sau kiểm toán của CII hụt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, đẩy hơn 80 tỷ đồng chi phí. Trong khi, thực hiện xong thương vụ và tiền mang về rồi, nhưng vì ngày thực hiện là 2/1/2020 nên kiểm toán đưa qua năm 2020.
Thay vì lợi nhuận 970 tỷ đồng thì sẽ trả cổ tức 32%, thì nay chỉ còn hơn 490 tỷ đồng, vì vậy Công ty chỉ chi trả được cổ tức 12%. Tuy nhiên, cổ đông yên tâm, tiền đã về Công ty, không chia năm 2019 thì sẽ xin ý kiến cổ đông chia trong năm 2020.
Liên quan cổ phiếu quỹ, việc mua cổ phiếu quỹ rồi sẽ tái phát hành cổ phiếu quỹ có phức tạp quá không?
Đến khi thực hiện phát hành cổ phiếu để thanh toán cho người sở hữu trái phiếu không có gì phức tạp, và không cần trình lại vì đã trình 1 lần trong phương án phát hành cho UBCK NN.
Cổ tức năm 2019 dự kiến khi nào chi trả, và năm 2020 có phương án chia tiền hay cổ phiếu chưa?
Hiện CII phấn đấu trong quý III/2020 sẽ trả cổ tưc 2019. Còn năm 2020, dự kiến bằng tiền mặt.
Về tờ trình trái phiếu, nếu 2 thời điểm phát hành khác nhau, sử dụng cùng công thức, thì giá cổ phiếu đi xuống sẽ được xử lý ra sao, khi đó sẽ thiệt hại cho cổ đông hiện hữu?
Theo tờ trình hiện nay, giá phát hành cho cổ đông hiện hữu bằng 110%bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCKNN. Việc phát hành ở thời điểm khác nhau nên giá sẽ khác nhau.
Trong trường hợp giá xuống, cổ đông hiện hữu thiệt thòi hơn, giá lên thì nhà đầu tư chiến lược mua cao hơn.
Tôi cho rằng, có lẽ kiến nghị chủ toạ đoàn sửa lại rằng: giá phát hành cho nhà đầu tư chiến lược cũng bằng 110% bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCKNN và không thấp hơn giá phát hành cho cổ đông hiện hữu, và không quá 26.000 đồng.
Kế hoạch kinh doanh 2020 theo 2 phương án, có thể cung cấp cụ thể hơn về các nguồn thu ở các mảng theo mỗi kịch bản?
Năm 2020, lợi nhuận chủ yếu của CII đến từ bất động sản, vì thu phí dự án Xa Lộ Hà Nội chưa đúng tiến độ, dự kiến chỉ thu được quý cuối cùng năm nay. Còn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận thì quý II/2021 mới thu phí.
Cụ thể, dự kiến đến từ dự án Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (của công ty con NBB) theo kế hoạch lợi nhuận là 1.000 tỷ đồng, CII có 80% vốn NBB thì sẽ có 800 tỷ đồng lợi nhuận từ dự án này.
Bên cạnh đó, CII dự kiến có nguồn thu từ 2 miếng đất của NBB; và dự án 152 Điện Biên Phủ, dự kiến 850 tỷ đồng.
Đối với mảng nước năm nay chắc sẽ hoà, không lỗ. Mảng cầu đường như các năm trước, ước tính đóng góp khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận.
2 dự án BOT lớn sắp tới CII đưa vào thu phí là mở rộng Xa Lộ Hà Nội và Trung Lương - Mỹ Thuận thì doanh thu ước tính mỗi dự án là bao nhiêu? Ước tính tăng trưởng lưu lượng như thế nào?
Với trạm xa lộ Hà Nội, lấy trên lưu lượng xe hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng sử dụng số thống kê bình quân qua nhiều năm các trạm thu phí.
Với Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm may mắn là sau khi cao tốc Sài Gòn- Trung Lương không thu phí thì 90% lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 đã chuyển đi cao tốc, và hết cao tốc, tới ngã ba Trung Lương sẽ ưu tiên đi cao tốc, thay vì chạy xuống Quốc Lộ 1 hay bị kẹt xe.
Doanh thu Xa lộ Hà Nội ước tính 1.000 tỷ đồng/năm, doanh thu Trung Lương - Mỹ Thuận ước tính 1.400 tỷ đồng/năm cho năm thu phí đầu tiên, qua mỗi năm tăng giá 10%, riêng với Trung Lương - Mỹ Thuận qua 3 năm tăng giá 18%.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, mua cổ phiếu quỹ đều được thông qua. Ngoại trừ phát hành trái phiếu có chút thay đổi đúng như quan điểm ông Bình đã nêu ra tại phần thảo luận.
Đó là CII sẽ phát hành trái phiêu chia 2 đợt, trong đó đợt 1 sẽ chuyển sang phát hành trái phiếu chuyển đổi và đợt 2 giữ nguyên phát hành riêng lẻ kèm chứng quyền, nhưng bổ sung thêm điều kiện về giá mua không được thấp hơn giá của cổ đông hiện hữu (trong đợt 1) và không quá 26.000 đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận