ĐHCĐ CII: Chưa tới 30 cổ đông tới dự, nhiều nội dung chờ đại hội bất thường quyết định
ĐHCĐ thường niên năm 2020 CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) diễn ra sáng nay (27/3) chỉ xin ý kiến cổ đông phê duyệt 2 tờ trình liên quan đến việc chuyển đổi trái phiếu, đáo hạn trái phiếu CII41401 và phương án phát hành thêm cổ phiếu để dự phòng nguồn trả nợ cho trái phiếu, và đều đã được thông qua.
Các tờ trình còn lại như Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, kế hoạch kinh doanh năm 2020, chọn đơn vị kiểm toán, bổ nhiệm thành viên độc lập và xin phép di dời trụ sở công ty…đều không trình trong ĐHCĐ lần này.
Thậm chí, các phần Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2019, báo cáo hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2019... (ngoại trừ 2 vấn đề nêu trên) cũng đều không có trong chương trình đại hội.
Theo ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII, những vấn đề trên, Công ty xin gác lại và sẽ trình tại ĐHCĐ bất thường - được tổ chức vào thời điểm thuận lợi để nhiều cổ đông có thể dự họp trực tiếp hơn.
Ông Hoàng cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay đều xin tạm hoãn, lùi lịch tổ chức ĐHCĐ nhằm thực hiện theo chủ trương không tổ chức các buổi hội họp, tụ tập đông người trước diễn biến khó lường của dịch Covid. Bản thân Ban Lãnh đạo CII cũng lo lắng và trước khi tổ chức ĐHCĐ thì có xin ý kiến của Lãnh đạo Thành phố HCM. Các giải pháp an toàn cho cổ đông tham dự cũng được công ty rất chú trọng như chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay, khoảng cách ngồi giữa các cổ đông cách xa nhau.
Theo Lãnh đạo CII, hai nội dung trình tại Đại hội là rất quan trọng, thời gian thực hiện cũng khá gần và mỗi lần thay đổi vốn điều lệ thì đều phải thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cổ đông, xin giấy phép kinh doanh mới… mất nhiều thời gian nên Công ty phải xin ý kiến cổ đông sớm
Cụ thể, ngày 24/6/2019 là ngày đáo hạn trái phiếu chuyển đổi CII41401 nên trái phiếu sẽ bị huỷ bỏ niêm yết trên HOSE. Bên cạnh đó, với 1.374 trái phiếu được chuyển đổi thành 124.879 cổ phiếu CII vào ngày 24/6/2019, toàn bộ trái phiếu còn lại sẽ được CII thanh toán khi đáo hạn. Do đó, HĐQT trình ĐHCĐ về việc huỷ niêm yết, chuyển đổi trái phiếu CII41401 và thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đáo hạn.
Đồng thời, HĐQT CII cũng trình phương án phát hành thêm tối đa 200 triệu cổ phiếu để dự phòng nguồn trả nợ cho 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (phương án phát hành trái phiếu đã được HĐTQ CII thông qua ngày 3/2/2020). Giá chào bán 10.000 đồng/cp, thấp hơn thị giá CII tại ngày 27/3 hiện đang là 18.600 đồng/cp.
Đối tượng chào bán ưu tiên cổ đông hiện hữu. Nếu cổ đông hiện hữu không mua hết, CII sẽ chào bán toàn bộ phần còn lại cho trái chủ với giá bằng với giá bán cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, trái chủ không có nghĩa vụ bắt buộc mua cổ phần trong đợt phát hành này.
Đợt phát hành này sẽ chỉ được thực hiện khi xảy ra sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến nguồn thu hoạt động kinh doanh của công ty không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. Và 6 tháng trước ngày đến hạn trái phiếu, nếu CII không chứng minh được nguồn trả nợ chắc chắn cho trái chủ hoặc nguồn trả nợ không được trái chủ CII chấp nhận thì phải thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo tờ trình.
Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, nếu không xảy ra trường hợp bất khả kháng, CII tự tin thu được khoảng 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới, đảm bảo nguồn trả nợ Trái phiếu khi đến hạn.
Nguồn thu đến từ các dự án thu phí hiện hữu và các nguồn thu lớn gồm: Dự án xa lộ Hà Nội thu phí từ quý 2/2020; Dự án Trung Lương Mỹ Thuận thu phí từ 2021; Các dự án bất động sản của CTCP Năm Bảy Bảy (NBB) sẽ hoàn thành và thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận; Các dự án bất động sản của CII tại Thủ Thiêm đến giai đoạn thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư.
Thông thường, để huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thường cân nhắc giữa phương án phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Nếu phát hành cổ phiếu, thì ngay lập tức, cổ phiếu bị pha loãng, vốn điều lệ biến động đột ngột, dẫn đến áp lực cho công ty trong việc đảm bảo chỉ số EPS.
Do đó, CII lựa chọn phương án phát hành trái phiếu, đi kèm với phương án dự phòng là phát hành cổ phiếu như trên, để nếu xảy ra tình huống bất khả kháng, thì cũng phải đến 3 năm sau mới phát hành cổ phiếu. Khi đó, mức độ pha loãng không nhiều nhờ CII đã có các nguồn thu như trên.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, phương án dự phòng mang lợi ích cho cả cổ đông và công ty khi giá phát hành là 10.000 đồng/CP, trong khi giá trị sổ sách tại 31/12/2019 là 22.800 đồng/CP.
Với CII, không cần tăng vốn để có nguồn thực hiện dự án quy mô lớn, tránh áp lực pha loãng, đồng thời Công ty có được thu nhập tăng thêm từ việc sử dụng hiệu quả đồng vốn trái phiếu nhận được. Còn với trái chủ, thì tạo sự yên tâm, an toàn về nguồn trả nợ của CII.
Mặc dù không có trong chương trình, nhưng cổ đông vẫn muốn chất vấn Ban chủ toạ về kế hoạch trả cổ tức tiền mặt.
Lãnh đạo Công ty cho biết, các dự án CII đầu tư đều cần nguồn vốn rất lớn, chẳng hạn dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, cả vốn chủ và vốn vay lên đến 12.000 tỷ đồng. Toàn bộ tiền của CII cũng đang đổ vào đây và Công ty đang cố gắng tối đa để cuối năm nay thông xe kỹ thuật.
Ngoài ra, dự án cầu đường như dự án Quốc Lộ 60 (tỉnh Bến Tre) mở rộng đã làm lễ thông xe toàn tuyến. Dự án này cũng cần khoản vốn hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, những năm qua, CII luôn nỗ lực để hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận dù có nhiều thách thức. Tờ trình 32% cổ tức, trong đó 16% tiền mặt là của cả 2 năm 2018-2019. Tính ra mỗi năm 16% là không quá lớn và có thể chấp nhận được. Năm 2020 sẽ phấn đấu chia cổ tức bằng tiền mặt (trả trong năm 2021).
Liên quan đến diễn biến dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng gì đến CII:
Ông Bình cho biết, với mảng thu phí cầu đường, theo số liệu thống kê đến chiều hôm qua, mảng này không chỉ giảm mà tăng nhanh hơn các năm trước. Nguyên nhân là lượng hàng hoá vận chuyển đường hàng không, đường sắt sụt giảm và phần lớn được chuyển sang vận chuyển đường bộ. Vì vậy, lưu lượng xe tải (có mệnh giá thu phí cao) tăng lên, kéo theo tổng doanh số tăng.
Mảng thứ 2 là ngành nước: sử dụng nước tăng nhiều hơn do nhu cầu đảm bảo vệ sinh nhiều hơn trong mùa dịch Covid-19.
Mảng thứ 3 là xây lắp, trọng tâm năm nay là hoàn thành xây dựng BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, nên Covid-19 cũng không ảnh hưởng. Chỉ bị ảnh hưởng nhỏ bởi tình hình nhiễm mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, bởi những người trước đây vận chuyển cát đã chuyển san vận chuyển nước ngọt (bằng đường thuỷ).
Về mảng bất động sản, với CII, may mắn gần như tất toán các deal bất động sản trong 2019 nên dịch Covid-19 ảnh hưởng không trọng yếu đến hoạt động của CII. Tuy đại dịch có ảnh hưởng tới công ty con là NBB nhưng không đáng kể vì NBB đã bán sản phẩm trong 2019 gần hết, giờ chỉ còn xây dựng hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận