menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lo không thể phục hồi

Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia liên tục trong những năm tiếp theo, đến năm 2030 với mức thuế lên đến 90%-100% thực sự là cú sốc. Doanh nghiệp không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới, có thể phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đến việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi. Dự án thảo đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất TTĐB với mặt hàng rượu-bia. Theo tính toán của các chuyên gia và doanh nghiệp, với phương án 1: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Còn phương án 2: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025. Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ 2.

Trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước. Đến năm 2030, thuế suất TTĐB với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100% (cao hơn hiện hành 25-35%)rượu dưới 20 độ lên mức 60-70% (cao hơn hiện hành (25-35%).

Tại hội thảo "Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống" ngày 8/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống luôn tuân thủ tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là các chính sách về thuế.

Mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế. Theo đó, doanh nghiệp trong ngành đã phải nỗ lực, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... của DN đều giảm sút từ 1 tới 2 con số.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lo không thể phục hồi

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB khiến các DN lo ngại.

Chủ tịch VBA cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng cụ thể như: DN giảm sản lượng, doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao?

"Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế. Tuy nhiên, 2 phương án Ban soạn thảo đưa cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam

Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm... VBA kiến nghị xem xét chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn hiện nay", ông Việt kiến nghị.

Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS Ngô Trí Long nhận định, theo phương án 2 của cơ quan soạn thảo sẽ là "cú sốc" với DN đồ uống bởi họ đã và đang đối mặt những khó khăn chồng chất, theo đó khó phục hồi, đứng vững. DN F&B có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử về tăng thuế TTĐB. Việc đánh thuế không chỉ tác động trực tiếp đến các DN F&B mà còn tác động đến cả chuỗi trong hệ sinh thái ngành.

Chuyên gia cho rằng, dự thảo cần đánh giá toàn diện, trong đó cần đánh giá vai trò, thực trạng hoạt động của ngành F&B. Cần đánh giá tác động cụ thể, thấu đáo của từng đề xuất để lựa chọn hướng đề xuất phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và DN.

Đặc biệt, cần cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu. Dựa trên nguyên tắc đánh thuế, thông lệ quốc tế, khuyến cáo WHO tránh đề xuất "sốc" chính sách như phương án 2.

"Trong bối cảnh hiện nay, giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng thuế hợp lý là giải pháp tối ưu để tạo điều kiện giúp DN phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Theo đó, cân nhắc lùi lộ trình, bắt đầu tăng thuế từ năm 2027, tăng 5% cách nhau 2 năm và dừng lại ở mức 80%", PGS, TS Ngô Trí Long đề xuất.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lo không thể phục hồi

Các chuyên gia và DN kiến nghị tăng thuế cần có lộ trình và không được áp dụng một cách đột ngột.

Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, trong chính sách thuế, lộ trình áp dụng rất quan trọng.

"Tôi nhất trí cao quan điểm điều tiết tăng thuế TTĐB với sản phẩm đồ uống có cồn, rượu bia. Tuy nhiên, tăng thuế không được quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các DN sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này", bà Cúc nêu.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO cho biết, dự thảo chắc chắn tác động đến cung - cầu và sản lượng tiêu thụ.

Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rất nhanh và trong thời gian ngắn khiến SABECO nói riêng và các DN trong ngành đồ uống nói riêng rất lo lắng. Sau COVID-19 với nhiều khó khăn, DN lại đối mặt với biến động của kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng. Sau đại dịch, sức mua suy giảm mạnh. Thêm vào đó, việc áp dụng Nghị định 100 đã ảnh hưởng đến tiêu dùng rất mạnh, thậm chí thay đổi thói quen của người Việt về sử dụng đồ uống có cồn.

"Do đó, việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo đến năm 2030 với mức thuế lên đến 90%-100% thực sự là cú sốc. DN không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới. Việc tăng thuế khiến DN, đặc biệt là các DN nhỏ, có thể phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đến việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội", ông Giang nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả