Đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ FLC, Tân Hoàng Minh
Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xảy ra tại công ty Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh...
Ngày 8/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo 110 theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm cần đặc biệt chú trọng, như vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan; vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành; vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC.
"Kiên quyết cho từ chức, miễn nhiệm theo quy định đối với những cán bộ bị kỷ luật, hiệu quả công việc và uy tín thấp", Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu.
Cùng với đó, các cấp, ngành phải ban hành hướng dẫn về nội dung phòng, chống tiêu cực theo Quy định 32 của Bộ Chính trị. Các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện quy định về nhập khẩu, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước; có giải pháp hoàn thiện chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách đãi ngộ nhân viên y tế.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực như GDP tăng trưởng khá tốt, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định... Tuy nhiên, thời gian tới, đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, nên chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác phải được điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt.
Các cơ quan theo dõi chặt chẽ thị trường, giá hàng hóa, đảm bảo cân đối cung - cầu; "khẩn trương có giải pháp điều hành giá xăng dầu, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư dự án cao tốc... được yêu cầu triển khai nhanh, hiệu quả. Các đơn vị có cơ chế hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, lao động có thu nhập thấp trước áp lực tăng giá hàng hóa và chi phí sản xuất, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, đề xuất biện pháp trước mắt và lâu dài phát triển bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
Theo TTXVN
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận